Thứ Năm, 18/04/2024 10:15:56 GMT+7

Tin đăng lúc 12-03-2017

Lượt xem: 3327

Lựa chọn dự án FDI hiệu quả, bền vững

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong nền kinh tế thế giới cũng như Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Ðối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của các yếu tố nêu trên là có, nhưng tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam rất dồi dào và chúng ta vẫn có quyền lựa chọn các dự án tốt hơn theo đúng định hướng phát triển kinh tế x
Lựa chọn dự án FDI hiệu quả, bền vững
Ảnh minh họa

Ảnh hưởng không lớn

 

Trong năm 2016, thu hút FDI tại Việt Nam rất thành công, mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay với 15,8 tỷ USD. Tuy nhiên, theo cảnh báo, viễn cảnh duy trì đà tăng trưởng này đang phải chịu đe dọa từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Ðối với Việt Nam, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta đã từng nhận định, TPP sẽ là động lực mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá trong thu hút FDI trong những năm tới thì nguy cơ TPP đổ vỡ khi Mỹ rút khỏi chắc chắn gây tác động lớn đến kỳ vọng này. Trước mắt, những dự án may mặc, dệt nhuộm đang được lên kế hoạch "đón đầu" để hưởng ưu đãi về xuất xứ trong TPP khả năng sẽ khó thành hiện thực. Về lâu dài, hy vọng đón nhận làn sóng đầu tư từ Mỹ sẽ thêm xa và có thể còn kéo giảm cả đầu tư từ các nước khác. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: Ảnh hưởng tuy có, nhưng sẽ không quá lớn. Trước hết, đầu tư của Mỹ tại Việt Nam không quá lớn, mức vốn đăng ký hiện ở mức 10 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng năm tỷ USD, chiếm khoảng 3% tổng số vốn thực hiện. Với số vốn đã đầu tư, không dễ dàng gì để các DN này rút về Mỹ. Riêng việc Mỹ có đầu tư thêm tại Việt Nam hay không phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa hai nước sau này. Trong tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã để ngỏ khả năng thành lập các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương với từng nước. Ðó là tín hiệu quan trọng cần được nghiên cứu trong điều kiện quan hệ thương mại Việt - Mỹ đang gia tăng nhanh chóng kể từ khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA).

 

Lựa chọn dự án hiệu quả

 

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam từ các nước khác ngoài Mỹ cũng rất lớn, khi Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hứa hẹn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ðánh giá gần đây nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), môi trường đầu tư ở Việt Nam đã có những bước cải thiện vượt bậc. Khoảng 65% số DN Nhật Bản có ý định sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và nhiều DN Nhật Bản khác cũng đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội H. Ki-ta-ga-oa cho biết: Ðây là tỷ lệ cao nhất của các DN Nhật Bản đang đầu tư tại 19 quốc gia trên khắp thế giới. Có thể khẳng định, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam M.Bê-ren cũng cho rằng: Với những thay đổi trong tương lai của TPP, FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chắc chắn sẽ trở thành FTA quan trọng nhất mà Việt Nam đã có trong tay. Thực tế, EU luôn coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường Ðông - Nam Á. Có thể thấy, ngoại trừ một số ít quốc gia đang cổ vũ bảo hộ thương mại, xu hướng chung của thế giới vẫn đang thúc đẩy đầu tư toàn cầu. Dòng vốn đầu tư của thế giới vẫn tăng trưởng trong năm 2016 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Với các yếu tố này, cộng thêm tác động tích cực từ những FTA Việt Nam đã và sắp ký, chắc chắn thương mại và đầu tư của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Như vậy, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quá trình chủ động hội nhập sâu, rộng và vẫn luôn là cửa ngõ thu hút dòng vốn FDI của khu vực.

 

Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện các nhà đầu tư đang rất hào hứng với thị trường Việt Nam, chúng ta đã có được quyền lựa chọn những nhà đầu tư hay dự án đầu tư thích hợp để tăng chất lượng của dòng vốn này. GS Nguyễn Mại cho rằng: Hiện, chúng ta không cần lo nhiều về nguồn cung FDI mà nên tập trung vào việc chọn lựa các dự án mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu lựa chọn đúng dự án đầu tư, sẽ mang lại hiệu quả và sức lan tỏa tốt hơn, đồng thời giảm khả năng xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ðiều cần quan tâm là quyền lựa chọn hiện nay đang nằm chính trong tay lãnh đạo các địa phương. Thực tế, việc trao toàn quyền quyết định đầu tư cho các địa phương đã cho thấy không ít bất cập, dự án hiệu quả thấp, không tạo ra nhiều việc làm, lại gây ô nhiễm môi trường,… nhưng vẫn được chào đón. Ðiều này đòi hỏi Chính phủ cần sớm đưa ra những hướng dẫn và quy định rõ ràng về hàng loạt vấn đề, như đâu là hướng khuyến khích kêu gọi đầu tư, lĩnh vực nào cần hạn chế hoặc không được phép,… để tăng cường khả năng giám sát và nâng cao hiệu quả của các dự án FDI.

 

Kéo dài thành công của năm 2016, hai tháng đầu năm nay, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước tiếp tục tăng trưởng tốt, thu hút được 313 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 2,03 tỷ USD, tăng 7,6% về số dự án và tăng 6,5% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Nguồn Nhandan.com.vn


Tag:FDI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang