Thứ Tư, 24/04/2024 16:25:32 GMT+7

Tin đăng lúc 19-10-2017

Lượt xem: 5079

Luật chuyển giao Công nghệ sẽ “ngăn chặn” công nghệ lạc hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Để khắc phục tình trạng môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề là do một phần đến từ các dự án đầu tư cả trong và ngoài nước sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật chuyển giao Công nghệ 2017 (CGCN 2017) nhằm ngăn chặn công nghệ lạc hậu khiến môi trường ô nhiễm với số phiếu tán thành là 93,28%.
Luật chuyển giao Công nghệ sẽ “ngăn chặn” công nghệ lạc hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Hơn 90% ĐBQH thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017

Hiện nay, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu là điều tất yếu. Nhưng chính vì điều này đã và đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ta. Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp trong nước là rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với thay đổi của thị trường.

 

Tuy nhiên việc này cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Bao gồm, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng nguồn lực phát triển. Một trong những thách thức chúng ta cần phải kiểm soát được đó là thực trạng công nghệ, nhất là công nghệ trong các dự án đầu tư phải bảo đảm giữ gìn môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

 

Điều này được ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; phần lớn máy móc, thiết bị nhập khẩu đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật...

 

“Để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam phải cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu”, ông Dũng cho biết thêm.

 

Trước đó, trong Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ đã quy định “hàng rào kỹ thuật” theo hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, máy móc, thiết bị có chứa công nghệ cao; công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; công nghệ tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có; công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao… Cùng với việc quy định khuyến khích chuyển giao, cấm chuyển giao, luật còn quy định cụ thể đối với công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam.

 

Theo ông Dũng, để tránh bị lợi dụng thì Luật cần có quy định thẩm định công nghệ dự án đầu tư; trong đó dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỷ đồng bắt buộc phải thẩm định. Việc thẩm định công nghệ phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định quốc gia.

 

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thẩm định công nghệ là công việc rất phức tạp. Nhất là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhập khẩu mà Việt Nam chưa có. Nếu thời gian thẩm định kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, phải quy định cụ thể loại công nghệ nào cần phải thẩm định, loại nào không nhất thiết phải thẩm định.

 

“Vấn đề quan trọng là sau khi dự án đi vào vận hành phải kiểm tra, giám sát, nếu nhà đầu tư đem công nghệ không đúng cam kết, công nghệ gây ô nhiễm môi trường thì phải xử lý nghiêm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

 

Trước tình hình trên, Luật CGCN chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018,nhằm góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Luật cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

 

Luật CGCN gồm 60 điều, được bố cục thành sáu chương sẽ tập trung các nhóm vấn đề lớn như: Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN; về quản lý CGCN, quản lý công nghệ thông qua khuyến khích CGCN, quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Luật đề cập các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN, giải pháp phát triển thị trường công nghệ một cách đồng bộ.

 

Một trong những điểm mới của Luật CGCN 2017 là bổ sung một chương (Chương II với 9 điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ; quy trình, thủ tục thẩm định, lấy ý kiến đối với từng loại dự án. Đồng thời, trong chương này thiết kế một điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư.

 

Bên cạnh đó, luật còn bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp (Điều 35). Cụ thể, đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D). Đề cập cơ chế liên kết giữa tổ chức khoa học - công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp....

 

Để luật được triển khai và đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CGCN nhằm bảo đảm các quy định này được thực hiện ngay khi luật có hiệu lực. Hai cơ quan trực tiếp hướng dẫn thi hành các điều, khoản của Luật CGCN là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

LT


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang