Thứ Tư, 24/04/2024 21:14:29 GMT+7

Tin đăng lúc 18-07-2016

Lượt xem: 3087

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng

Dự kiến, dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được trình tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Đây là dự án luật được cộng đồng DNNVV Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo kênh hỗ trợ hiệu quả.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng
Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn có môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Tại hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn của cộng đồng DN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/7/2016 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhìn nhận, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên, các nguồn lực còn hạn chế, tính hỗ trợ chưa cao… nên ít có hiệu quả. Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV. Đây cũng sẽ là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu DN như Chính phủ đã đề ra.

 

Tại hội thảo, một báo cáo nghiên cứu với chủ đề môi trường kinh doanh với DNNVV Việt Nam đã mang lại những kỳ vọng mới cho cộng đồng DN. Theo đó, kỳ vọng số 1 là các chính sách hỗ trợ DNNVV cần được thiết kế phù hợp với các giai đoạn phát triển của DN. Đối với giai đoạn mới thành lập, các chính sách hỗ trợ cần giúp các DN tiếp cận thuận lợi các nguồn lực và cơ hội như tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp, hỗ trợ về thủ tục hành chính...

 

Bà Phạm Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI - cho rằng, sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hỗ trợ DN, nhưng điều quan trọng hơn là việc thiết kế nội dung luật phải hướng tới mục tiêu rõ ràng, không tạo ra một kiểu cơ chế xin - cho mới, mà phải nâng cao được sức cạnh tranh của cộng đồng DNNVV. Đồng thời, nội dung của luật phải rất cụ thể, tập trung vào những điểm mà các luật khác không giải quyết được.

 

Chia sẻ ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico - khẳng định: Việc đưa tất cả các chính sách hỗ trợ DNNVV vào một luật có thể tạo ra sự cứng nhắc. Các phương thức hỗ trợ DNNVV cần hướng đến những vấn đề thiết thực của từng ngành nghề, trong từng giai đoạn cụ thể.

 

Luật sư Trương Thanh Đức cũng thẳng thắn đề cập đến một nội dung vốn lâu nay vẫn bị “né”: Hiện cả nước có khoảng 4-4,5 triệu hộ kinh doanh (theo số liệu của ông Đức). Nếu xét về bản chất kinh tế thì hộ kinh doanh chính là DN tư nhân. Thế nhưng, Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ áp dụng với các DN theo Luật DN 2014, không đề cập đến việc điều chỉnh hộ kinh doanh.

 

Điểm đáng chú ý là Luật DN qua các thời kỳ đều gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh là một loại hình DN, nhưng chỉ dừng ở “điểm danh” cho có, mà không hề quy định cho hộ kinh doanh một pháp nhân như DN. Thậm chí hộ kinh doanh còn thường xuyên bị gọi theo một cái tên rất xưa cũ là hộ kinh doanh cá thể, ngay cả với những văn bản pháp quy gần đây như Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hay trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo các chuyên gia, luật sư, đây là dịp sửa đổi tư duy theo hướng chính thức thừa nhận hộ kinh doanh là loại hình DN tư nhân. 

 

Luật sư Trương Thanh Đức:

Trong trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là DN thì Luật Hỗ trợ DNNVV cần xem xét có quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển hộ kinh doanh thành DN, nhằm mục tiêu phát triển 1 triệu DN trong những năm tới.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang