Thứ Năm, 18/04/2024 20:16:22 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2019

Lượt xem: 1173

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 nên lưu ý điều gì?

Theo nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết, mâm cỗ cúng rằm tháng 7 tốt nhất nên "tuỳ tiền biện lễ" và quan trọng nhất là lòng thành.
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 nên lưu ý điều gì?
Bày biện mâm cỗ cúng rằm tháng 7 nên “tuỳ tiền biện lễ“

Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm tháng 7 hay lễ Vu Lan là ngày đã đi vào văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam như một ngày lễ cổ truyền. Vào ngày này, người ở thế giới bên kia được tự do, về bên gia đình, con cháu.

 

Bởi vậy, theo phong tục, ngày Rằm tháng 7, các gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng, mời các cụ về với con cháu, sau cũng là dịp để gia đình sum vầy.

 

Hàng năm, các gia đình thường cúng Rằm tháng 7 từ mùng 10 cho tới 14, 15 âm lịch. 

 

Trao đổi với Lao Động về cách bày biện mâm cỗ cúng rằm tháng 7, nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết cho rằng, không có quy định cụ thể về mâm cỗ cúng, bởi còn tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.

 

"Tuỳ tiền biện lễ" là điều nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết muốn nhắn nhủ tới các gia đình. 

 

"Mâm cỗ cúng quan trọng lòng thành của mình là chính. Tuỳ vào mỗi gia đình, có gia đình cúng chay, có gia đình cúng mặn đó là tuỳ nhu cầu. Có người duy tâm, bảo là ăn chay để người thân đã khuất được thanh tịnh. Nhưng cũng có những người vẫn cúng mặn, nhìn chung không nhất thiết phải bắt buộc có những món cụ thể, mà nên "tuỳ tiền biện lễ" - nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ. 

 

Trong dịp cúng rằm tháng 7, thường có ba mâm cỗ cúng là mâm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh. Mặc dù không liệt kê cách bày biện mâm cỗ cụ thể nhưng nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết cũng có những lưu ý riêng về 3 mâm cỗ cúng. 

 

"Cách biện lễ trong mỗi mâm cỗ có những thứ khác nhau. Cúng Phật thường sẽ chỉ là hoa quả, cúng chay, bánh trái không có chút thịt, cá. Còn cúng gia tiên là một mâm cỗ tuỳ gia chủ. Với những gia đình không có điều kiện sao có thể bắt người ta cúng chim công chả phượng? Cúng chúng sinh phần nhiều sẽ là những bánh kẹo nho nhỏ". 

 

Nghệ nhân Ánh Tuyết cũng nói thêm, về cúng Phật, ai lễ Phật sẽ trình cúng. Ở nhà, mỗi gia đình thường sẽ cúng gia tiên và cúng chúng sinh. 

 

Bài cúng gia tiên Rằm tháng 7 âm lịch (Theo Nhà nghiên cứu tâm linh Nguyễn Xuân Cường):

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lạy)

Kính lạy đức Bản gia Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Kính lạy chư vị Tổ tiên

Kính lạy chư vị Hương linh nội, ngoại.

Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy năm .... (Âm lịch)

Tín chủ con là.... cùng toàn gia quyến.

Nhân tiết Trung nguyên động lòng nhớ tới công đức rộng lớn của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra chúng con, dạy dỗ chúng con nên người.

Quả là đức cù lao khôn báo, công trời biển khó đền.

Trước linh toạ cúi xin lượng trên thương xót. Linh thiêng giáng lâm chứng giám tấm lòng thành, thụ hưởng lễ vật cùng với kim ngân minh y. Phù hộ độ trì cho con con, cháu cháu được đắc tài, đắc lộc, mọi việc hanh thông, sở cầu như ý, gia đạo hưng long.

Tín chủ con lại mời: Các vị vong linh y thảo phụ mộc, phảng phất trên đất này, nhân lễ Vu Lan cùng về hâm hưởng.

Kính mong chư vị chấp lễ chấp bái, chấp kêu, chấp cầu.

Đồng lai giám cách.

Kính cẩn dâng lời.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lạy)

 

Theo Báo Lao Động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang