Thứ Sáu, 29/03/2024 19:43:17 GMT+7

Tin đăng lúc 23-09-2015

Lượt xem: 4137

Mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Ngày 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị cấp cao “SEMI Việt Nam 2015 – Sứ mệnh liên kết ngành bán dẫn”. Sự kiện do Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc phối hợp với Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (gọi tắt là SEMI) tổ chức.
Mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Ký kết hợp tác giữa Khu CNC Hòa Lạc và Hiệp hội SEMI

Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức tại Việt Nam. Mục tiêu của hội nghị là tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các thành viên của Hiệp hội SEMI, các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, các học viện, trung tâm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực điện tử, bán dẫn để cùng tìm hiểu và thảo luận trực tiếp các chính sách mới, các kế hoạch khuyến khích đầu tư ở Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất bán dẫn trong nước. Đặc biệt, SEMI Việt Nam 2015 có sự tham gia của 35 doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến từ Mỹ, châu Âu, Malaysia, Singapore… để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác và lợi thế về các chính sách ưu đãi dành cho lĩnh vực công nghiệp điện tử, bán dẫn tại Việt Nam.

 

Ông Richard Salsman, Phó Tổng Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc tài chính Hiệp hội SEMI cho biết, SEMI là hiệp hội  hoạt động trên toàn thế giới với số lượng thành viên rất lớn, khoảng 1.800 thành viên đến từ nhiều quốc gia. Thông qua các chương trình, sáng kiến của mình, SEMI mong muốn thúc đẩy sự lớn mạnh của DN và sự tăng trưởng thị trường bán dẫn tại các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, qua việc phối hợp tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh tại TP.Hồ Chí Minh vào các năm 2013, 2014 đã cho thấy tác động rất lớn đó là giúp cho các hội viên của SEMI trên thế giới biết tới ngành bán dẫn của Việt Nam. Nói cách khác, đã đưa tên của Việt Nam cũng như TP.Hồ Chí Minh lên trên bản đồ thế giới trong ngành điện tử. Tiếp nối thành công đó, tại SEMI Việt Nam 2015, chúng tôi kỳ vọng SEMI tiếp tục tạo ra những cơ sở, cầu nối đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu CNC Việt Nam, trong đó có Khu CNC Hòa Lạc để tạo ra một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn tại đây.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thông qua những hội nghị như SEMI, các DN trên thế giới đã biết đến môi trường kinh doanh, chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam để từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Tại Khu CNC TP.Hồ Chí Minh (SaiGon Hi-Tech Park) đã đón nhận 3 dự án đầu tư rất lớn, đầu tiên là Intel, tiếp đến là Samsung với tổng kinh phí đầu tư 1,4 tỷ USD và đặc biệt là cấp giấy chứng nhận dự án SaiGon Silicon City (theo mô hình khu công nghệ Silicon Valley của Mỹ) cho 24 nhà DN Việt kiều đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ USD. Tôi mong muốn, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có những kết quả tương tự.

 

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay các “con rồng” châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… đều rất mạnh về vi mạch và vi mạch trở thành một trong những ngành công nghiệp chính của họ. Việt Nam tuy đi sau các nước nhưng nếu chúng ta biết cách làm và làm tốt chúng ta sẽ có được những thành công như vậy. Cụ thể, khi chúng tôi tiếp xúc với những người Việt ở hải ngoại, đặc biệt ở Silicon Valley của Mỹ, thì ngành mà người Việt thành công nhất đó là vi mạch bán dẫn, như vậy tố chất người Việt rất phù hợp với ngành này. Vốn quý nhất của ngành bán dẫn không phải là máy móc thiết bị mà chính là con người và chất xám.

 

“Để phát triển bền vững ngành bán dẫn, chúng ta phải lấy thị trường trong nước làm tâm điểm, coi là vấn đề “sống còn”. Do vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã cố gắng đưa các con chip Việt vào các sản phẩm có tính thông minh của Việt Nam và làm sao cho tất cả người dân trong mọi lĩnh vực đều được hưởng thụ thành quả của sản phẩm. Trước mắt, trọng tâm nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn sẽ tập trung vào các sản phẩm phục vụ ngành dầu khí và nông nghiệp nhằm thay thế các sản phẩm của nước ngoài và giúp hiện đại hóa các ngành này”, ông Tuấn cho biết thêm.

 

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin cho rằng, hiện tại, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về phát triển vi mạch bán dẫn với nhiều nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, Hà Nội lại là địa phương có điều kiện cho phát triển vi mạch bởi có nguồn nhân lực trình độ cao mạnh nhất cả nước về số lượng cũng như chất lượng khi các viện, trường đại học rất nhiều.

 

Ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc khẳng định, khu CNC Hòa Lạc hội tụ đủ các yếu tố về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn khu vực, vị trí thuận lợi cho giao thông và nguồn nhân lực CNC, vì vậy tôi tin tưởng khu CNC Hòa Lạc thu hút được đầu tư từ DN thuộc SEMI. Hiện tại, trong số 66 đơn vị đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, đã có một số nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn như Công ty VNPT Technology, Tập đoàn Viễn thông Viettel, Công ty TNHH FC Hòa Lạc, Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam…

 

Trước đó, tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 21/9/2015, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội SEMI, trong đó, hai bên cam kết sẽ phối hợp trong việc tổ chức các sự kiện liên quan để phát triển ngành điện tử, bán dẫn tại Hà Nội và khu vực phía Bắc cũng như SEMI sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá hình ảnh của Khu CNC Hòa Lạc tới các thành viên của Hiệp hội. 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang