Thứ Sáu, 19/04/2024 12:48:02 GMT+7

Tin đăng lúc 22-08-2019

Lượt xem: 1386

Mối nguy hại từ thuốc giả - người tiêu dùng cần cẩn trọng

Thuốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ con người, tuy nhiên, thời gian qua, số lượng thuốc giả cung ứng vào hệ thống các nhà thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Vấn đề này hiện không chỉ là mối quan tâm của người sử dụng mà còn là mối lo của toàn hệ thống y tế và các công ty dược phẩm tại Việt Nam.
Mối nguy hại từ thuốc giả - người tiêu dùng cần cẩn trọng
Ảnh minh họa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: Hoàn toàn không có dược chất được ghi trên nhãn thuốc; có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người; có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.

 

Hiện nay, điều đáng lo ngại là thuốc giả không chỉ được bày bán rộng rãi trên mạng mà còn xuất hiện trong chuỗi cung ứng hợp pháp ở các nhà thuốc lớn. Theo cơ quan công an, bất cứ sản phẩm nào đang bán chạy trên thị trường thì một thời gian sau đó sẽ xuất hiện thuốc giả.

 

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là nơi tập trung những bệnh viện lớn với số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải mỗi ngày, đây chính là thị trường “màu mỡ” để tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả nhắm đến nhằm kiếm lời trên chính mạng sống của những bệnh nhân.

 

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Bộ đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược – mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

 

Năm 2018, cả nước phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo và 14 loại thuốc bị nghi ngờ làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống y như thuốc thật. Trong đó rất nhiều thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư…

 

Ở Hà Nội, có thể kể đến vụ phát hiện thuốc kháng sinh Zinnat giả trên thị trường năm 2018. Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương với mẫu thuốc Zinnat 500mg Film Tablet lấy tại Hà Nội cho kết quả không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl – thành phần chính của thuốc. Loại thuốc này trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film table”; số giấy phép 14209/QLD-KD ngày 30/3/2013; Parti no C763039. Sol kul. Ta 01-2019. Nhãn phụ ghi mạo danh nhà sản xuất là công ty Glaxo Operatione UK Ltd (Anh) và mạo danh cả DN nhập khẩu là công ty cổ phần Armephaco (Hà Nội).

 

Cục Quản lý dược xác định thuốc mang tên Zinnat 500mg nêu trên là thuốc giả và đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc giả trên.

 

Anh Phạm Hợp (Trương Định, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Sợ thật, bây giờ cái gì cũng có thể bị làm giả, ngay cả thuốc chữa bệnh người ta cũng nhẫn tâm làm giả. Hôm trước bị cảm cúm, tôi chạy ra hiệu thuốc gần nhà bảo người bán hàng bán cho vỉ thuốc Tiffy, thế nhưng uống 5 ngày mà vẫn không đỡ bệnh, kiểm tra mới biết loại thuốc này có mẫu mã thiết kế giống y hệt thuốc Tiffy thật, tên thuốc cũng gần giống, nếu không tinh ý không thể phát hiện ra”.

 

Có thể nói, việc sử dụng thuốc giả sẽ gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người. Ngoài ra, thuốc giả còn gây thiệt hại trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính.

 

Trước nguy cơ thuốc giả xâm nhập vào thị trường, để ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

 

Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra, người tiêu dùng không nên tự ý mua thuốc trôi nổi về sử dụng mà nên có sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ. Bên cạnh đó cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn của thuốc và kiểm tra tem, nhãn trước khi dùng.

 

Hồng Trường


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang