Thứ Năm, 28/03/2024 15:29:08 GMT+7

Tin đăng lúc 22-03-2018

Lượt xem: 2001

Môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng hấp dẫn các DN châu Âu

Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp (DN) TPHCM đánh giá “Sách Trắng 2018” là một trong những giải pháp kiểm tra, rà soát lại xu hướng chung của cộng đồng, từ đó có những cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất.
Môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng hấp dẫn các DN châu Âu
Đối thoại tại buổi ra mắt Sách Trắng 2018

Ngày 21/3, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức buổi ra mắt “Sách Trắng 2018” nhằm đưa ra những khuyến nghị về cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất.

 

Năm 2018 là một năm quan trọng với việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được kỳ vọng có hiệu lực với lợi ích rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp từ cả hai phía. Tuy nhiên, ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch EuroCham lưu ý, việc cải thiện nhanh chóng môi trường kinh doanh tại Việt Nam là vô cùng cần thiết. Đây cũng là những thông điệp EuroCham muốn truyền tải trong chuỗi hoạt động giới thiệu Sách Trắng trên cả nước trong những tháng tới.

 

Theo EuroCham, một trong những biện pháp quan trọng nhất để cải cách môi trường thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là giảm thuế quan quốc tế và dỡ bỏ rào cản thương mại. Theo đó, hỗ trợ chính sách là hoạt động trọng tâm của EuroCham nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

 

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), việc đưa ra những kiến nghị hữu ích cho cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là vô cùng cần thiết. Để phát triển, Việt Nam cần tranh thủ nguồn lực vốn, công nghệ và trình độ quản lý nước ngoài thông qua việc thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải tạo cơ sở hành lang pháp lý, trước hết là Luật Đầu tư và sau đó là từng bước xây dựng và kiện toàn các thể chế tương thích với thông lệ quốc tế.

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh quốc gia.

 

Hiện nay, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại. Chỉ tính riêng năm 2017, EU là thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trị giá 38,3 tỷ USD (tăng 12,8%). Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU, lượng hàng hóa trị giá 12 tỷ USD (tăng 7,7%). Còn về lĩnh vực đầu tư FDI của EU vào Việt Nam đạt ở mức gần 1,84 tỷ USD.

 

Đánh giá về môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Công ty Bosch Việt Nam, nhận định cơ chế chính sách ngày càng cải thiện khiến thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Theo đó, các nhà đầu tư có thể thâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh như đào tạo nguồn nhân lực, lao động, thành phố thông minh, công trình hạ tầng, phát triển xanh… Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là hướng dòng vốn FDI vào các lĩnh vực quan trọng và phục vụ phát triển đa dạng ngành nghề.

 

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TPHCM cho rằng Sách Trắng của EuroCham đưa ra những kiến nghị đối với nhiều lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực hải quản để góp phần thúc đẩy cải cách các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, tiến đến cắt giảm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính… cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, nhận diện những cơ chế chính sách hiệu quả để tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

 

Nguồn Báo Chính phủ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang