Thứ Năm, 25/04/2024 23:23:23 GMT+7

Tin đăng lúc 25-04-2019

Lượt xem: 1551

Một góc nhìn khác về ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội

Thời gian qua, báo chí và mạng xã hội xôn xao quanh việc đề án dự thảo cấm xe máy một số tuyến đường của thành phố Hà Nội như: Đường Nguyễn Trãi; Lê Văn Lương; Giải Phóng; Nguyễn Văn Cừ…, tiến tới sẽ hạn chế, hoặc không đăng ký mới xe tại các quận nội thành. Người đồng tình với đề án thì nhiều nhưng số lượng người không ủng hộ cũng rất lớn.
Một góc nhìn khác về ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội
Việc nhồi thêm đô thị với mật độ cao tại dọc đường vành đai 3 của Hà Nội hiện tại cũng tạo ra một vấn đề nóng về tình hình giao thông (Báo Tuổi Trẻ)

Nói gì thì nói, một đô thị mà phố phường nhếch nhác, bẩn thỉu, đường xá thì chật chội, lộn xộn bởi các phương tiện cơ giới, khói bụi mờ mịt và do ý thức kém của một bộ phận người dân thì không thể gọi là văn minh được. Chính quyền thành phố nhận ra điều đó không phải bây giờ mà có từ mười mấy năm trước nên đã có nhiều giải pháp, trong đó cho xây dựng nhiều cầu vượt, mở nhiều tuyến đường cả nội đô và vành đai, cao cũng có, thấp cũng có. Thậm chí xây dựng cả tuyến metro trên cao từ Hà Đông đi Cầu Giấy, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra và nguy cơ này ngày càng trầm trọng.

 

 

Ùn tắc nghiêm trọng tại đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy.

 

Xung quanh vụ việc này, đã có không biết bao nhiêu ý kiến, đề xuất của các cơ quan chức năng địa phương, các chuyên gia chuyên ngành, đề xuất của người dân về các phương án, giải pháp, tập trung chủ yếu vẫn là vì sao cấm? Cấm thế nào? Cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì? Cấm xe máy thì có cấm ô tô không? Rồi nguyên nhân gây ra tình trạng tắc đường là do các phương tiện cơ giới (do ý thức người dân, do ô tô, xe máy)… Trong đó ít có ít người đề cập đến những nguyên nhân khác.

 

Việc gây ùn tắc tại thủ đô Hà Nội những năm gần đây đúng là do các phương tiện tham gia giao thông (ô tô, xe máy), nhưng vì sao người tham gia giao thông tại Hà Nội lại lớn đến như vậy? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân mới thấy được bài toán cần giải.

 

Đó là ngoài vấn đề quy hoạch giao thông chắp vá (kiểu xén đường, mở lối), thì việc chủ trương cho nhập cư ồ ạt người dân từ các tỉnh xa về thành phố, cùng với đó là cấp phép lấy được cho các dự án xây dựng chung cư không đúng quy hoạch, thiết kế tại các khu vực nội đô khiến số dân khu vực này tăng đột biến. Điển hình là khu vực Hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai); Đường Lê Văn Lương (quận Nam Từ Liêm), Văn Phú (Hà Đông)… do cư dân ở các chung cư quá đông nên vào giờ cao điểm giao thông ở đây thường ùn ứ kéo dài. Bên cạnh đó, thành phố tuy đã có chủ trương di dời, hoặc giãn bớt một số bệnh viện tới các tỉnh lân cận, song những bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản… vẫn cứ tiếp tục được xây dựng, mở rộng nên lượng bệnh nhân kéo theo người nhà phục vụ vẫn không hề giảm.

 

Chưa hết, hàng chục năm trước, từ khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất tỉnh Hà Tây vào thủ đô Hà Nội thì Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Ðông Nam Á, gồm 09 đại học thành viên, 08 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 04 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh, nhằm giảm tải lượng sinh viên tham gia giao thông nội đô. Tuy nhiên, sau bao năm khu vực đã được quy hoạch “Làng đại học” vẫn chơ vơ, hoang hóa. Mọi người đều biết, cứ hết học kỳ hàng năm, sinh viên được nghỉ hè là đường phố thông thoáng hẳn.

 

Nêu lên một vài thực trạng trên để thấy được nguyên nhân tắc đường ở Hà Nội không hoàn toàn do xe máy, ô tô gây ra, mà nó có nhiều nguyên nhân. Ngoài ý thức của một bộ phận người dân kém, thì còn có cả vấn đề nhập cư, người dân vùng quê đổ về thành phố làm ăn bằng các phương tiện xe máy, xe đạp; cả việc quy hoạch đô thị không khoa học, cấp phép xây dựng chung cư tràn lan, thiếu đồng bộ; cả việc không kiên quyết di dời hoặc giảm tải các bệnh viện hoạt động trong khu vực nội thành và đặc biệt là không giãn bớt các trường đại học về địa bàn đã được quy hoạch.

 

 

Sau 16 năm khởi công xây dựng, quần thể Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn hoang hóa như thế này đây.

 

Việc hạn chế xây dựng chung cư và di dời các trường học, bệnh viện ra ngoại thành, hoặc các tỉnh lân cận sẽ giúp cho công tác phân bố lại địa bàn dân cư, giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện để các địa phương phát triển đồng đều. Đặc biệt, nếu Trung ương và thành phố Hà Nội xử lý được những vấn đề này (cụ thể là đầu tư nguồn vốn một lần cho di dời), đồng thời, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng giao thông (nâng cấp đường xá, cũng như có lộ trình giảm xe cá nhân, ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng), sẽ bớt được phải dành nguồn vốn rất lớn để xây cầu, mở đường theo kiểu chắp vá, rồi ngày đêm vẫn cứ phải loay hoay với vấn nạn giao thông chưa biết bao giờ mới khắc phục được.

 

Lúc đó, chắc chắn ùn tắc sẽ không còn là mối lo cho các cấp chính quyền, cho người tham gia giao thông trên địa bàn nội thành và khi ấy, chúng ta mới nghĩ đến việc xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh, hiện đại như người dân mong đợi.

 

Mai Hương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang