Thứ Sáu, 19/04/2024 10:03:34 GMT+7

Tin đăng lúc 19-12-2018

Lượt xem: 8700

Một lần nuôi lợn Tết

Ấy là những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20, dân ta coi “con lợn là đầu cơ nghiệp” chứ không phải là con trâu như người xưa vẫn nói. Phong trào nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn được phát triển cả trong nội thành Hà Nội. Con lợn là cứu cánh cho nền kinh tế gia đình thời bao cấp. Nhiều người còn coi lợn là... “Thủ trưởng”. Bạn bè lâu ngày gặp nhau chưa kịp hỏi thăm sức khỏe đã hỏi luôn: “Thủ trưởng nhà cậu được bao nhiêu cân hơi rồi, sắp được xuất chuồng chưa?”.
Một lần nuôi lợn Tết
Ảnh minh họa

Những năm ấy tôi thuộc diện độc thân ở Hà Nội. Vợ con sinh sống ở quê. Tôi được cơ quan phân phối cho nửa gian nhà cấp 4, rộng 9 m2, dù sống độc thân cũng phải xắn tay làm kinh tế để hỗ trợ gia đình. Một lẩn ra chợ Mơ mua được con lợn giống to hơn cái chai về nuôi. Khi nuôi cũng chẳng để ý giới tính, về nhà mới biết là lợn cái. Chưa có chuồng, tôi hì hục lăn về một cái ống cống xi măng vốn là hầm trú ẩn tránh máy bay thời chống Mỹ, đặt trước nhà thả lợn vào nhốt tạm. Dạo đó đang mùa hè nóng bức, ống xi măng kín mít không thông được gió, lại hấp nhiệt nóng ran, mới đến quá trưa mà lợn đã toát mồ hôi, mắt lờ đờ, sùi cả bọt mép như sắp tắt thở. Hoảng quá, tôi vội bế thốc lợn vào nhà quạt lấy, quạt để cho nó dần tỉnh lại rồi lấy dây buộc vào chân giường như xích con cún. Tiêu chuẩn cán bộ mỗi tháng được 13,5 ki lô vừa gạo vừa mì sợi. Mì ưu tiên cho lợn, còn phải mua thêm khoai lang, phần thì người ăn, phần thì nấu nhuyễn với mì làm thức ăn chăn nuôi. Chiều chiều còn ra chợ mua mớ cá ươn bồi dưỡng cho lợn, bận chẳng khác gì nuôi con mọn.

 

Sau mấy tuần, mừng thấy lợn trơn lông đỏ da và ngày càng ăn khỏe, thế là hàng ngày tôi đi kiếm gạch vỡ, cây que về dựng cái chuồng nho nhỏ. Nguồn thức ăn mỗi lần mua nửa bao tải cám gạo, hoặc cám ngô và vớt bèo tây ở ao hoang gần đó. Việc tăng gia đang đà phấn khởi, bỗng một hôm lợn chê cám, tôi sợ đến thót tim. Khu tập thể ở liền kề trụ sở cơ quan, khi nghe tin này ai cũng xuống thăm lợn, tình cảm ân cần với khổ chủ như thăm người ốm. Trong số đó có một cô kỹ sư chăn nuôi, đã thăm bệnh và phán đoán: “Lợn không có biểu hiện ốm, hay anh mua phải cám mốc?”. Tôi xúc nửa bát cám cho cô xem. Cô đưa lên mũi ngửi, lại lấy ngón tay miết miết, rồi cười: “Anh mua phải cám đểu rồi. Cám trộn lẫn mùn cưa đây này”! Mọi người đến chia buồn, giờ được phen cười phớ lớ. Còn chủ nhà sung sướng thở phào: Trời ạ, bọn con buôn lừa đảo đến thế là cùng.

  

Một thời gian sau, lợn đã tăng được khoảng 30 cân. Tính nhẩm từ giờ đến cuối tháng chạp chí ít phải được 40 cân hơi. Sẽ nhốt rọ đèo về quê, rủ thêm hàng xóm đánh đụng ăn tết. Định bụng hôm mổ lợn sẽ cho lũ con được ăn vã một bữa lòng thả cửa, bõ công thèm khát cả năm. Ngắm con ỉn ngày càng lớn nhanh như gái dậy thì, hàng xóm cứ tấm tắc khen chủ nhà nuôi lợn mát tay, thì đánh đùng một cái lợn chê cám thật. Tôi lại lếch thếch bế lợn đặt vào gầm giường và kê thêm hai chồng gạch đỡ cái giường ọp ẹp, long mộng đề phòng giường sập đè chết lợn. Đầu giờ chiều đạp xe sang phòng y tế cơ quan Bộ Nông nghiệp, vì quen thân anh y sĩ phụ trách phòng này. “Anh Tâm ơi, em đang có việc sang nhờ cậy anh đây”! “Việc gì thế, có quan trọng không”?  Y sĩ Tâm sốt sắng hỏi lại. “Bà mẹ vợ em ở quê lên cái nhọt to ở bắp đùi, kêu rên suốt đêm. Anh có thuốc gì”... Tôi chưa nói hết câu thì anh y sĩ đã sốt sắng: Rõ khổ thân bà cụ. Tớ cho cậu sáu lọ Tép (Steptomycin) về tiêm cho cụ, rồi cho biết kết quả nhé!

 

Thế là có thuốc, nhưng người biết tiêm ở cơ quan lại đi vắng, đành để sáng mai. Chiều tối hôm ấy, tôi đong hẳn một bò gạo trắng nấu cháo cho lợn. Được mua phân phối xuất mì chính cánh đựng trong chiếc lọ Penicillin, mỗi bận nấu canh chỉ rắc vài chục hạt, hiện còn đến 1/3 lọ mà dám cắn răng dốc hết cả vào xoong cháo lợn. Nghe ngóng theo dõi đến 11 giờ đêm vẫn không thấy lợn đụng mõm. Tôi nằm trằn trọc, hai hàng nước mắt tuôn ròng, vừa lo mất của lại vừa tủi thân, rồi ngủ thiếp đi. Vào lúc 3 giờ sáng chợt tỉnh giấc, nghe tiếng kêu tọp tọp ở dưới gầm giường, tôi trở dậy bật đèn thì thấy “chị chàng” đang vục mõm vào xoong cháo tợp như điên. Sau một thoáng ngỡ ngàng, tôi sung sướng chỉ chực nhảy cẫng lên hát ca như gã hề chèo.

 

Nghe tin lợn vừa cải tử hoàn sinh, mọi người lại ríu rít xuống nhà chia vui. Cô kỹ sư lúc này cũng có mặt, đưa tay cù vào nách lợn, thế là cô nàng nằm ệp xuống, mắt khép lim dim. Cô kỹ sư khúc khích cười: Lợn nhà anh phải lòng trai rồi, nó bỏ ăn vì động đực đấy. Anh xem này, cái “hoa” của nó còn đỏ tấy lên như là... Thế là lại nổ ra một trận cười thắt ruột.

 

Ba ngày sau, tôi đón được anh bác sĩ thú y (là bạn của cô kỹ sư vừa kể trên). Anh rất nhiệt tình, xắn quần cùng tôi vào chuồng bắt lợn, trói chặt bốn chân, liếc mũi dao nhọn cho sắc. Anh bảo: Hoạn lợn đực dễ ợt, còn hoạn lợn cái không dễ chút nào đâu nhé! Anh hướng dẫn tôi phải giữ chắc lợn để anh làm phẫu thuật, tôi răm rắp tuân theo. Từ khi anh ấn mạnh mũi dao vào sườn lợn rồi lùa hai ngón tay vào móc đến 20 phút vẫn chưa có kết quả. Thời gian như ngừng trôi, lúc này con lợn không còn sức để giãy giụa khiến tim tôi đau thắt. Mồ hôi bác sĩ cũng túa ra như tắm đến trôi cả gọng kính. Thêm 15 phút nữa anh mới rút được tay ra và kéo theo một mẩu nội tạng bầy nhầy lẫn máu, tuyên bố: “Xong”. Cuối cùng là khâu vết mổ rồi bôi thuốc sát trùng, sau rồi nhảy lên xe nói là vội đi có việc.

 

Tôi ì ạch bê lợn vào chuồng, thân nó đã mềm oặt, mãi hôm sau lợn vẫn chưa dậy được, tôi đổ cháo vào mồm nó cũng không nuốt, rồi thân nhiệt tăng, sốt cao. Nguy to rồi, thì ra anh bác sĩ thú y này chỉ giỏi lý thuyết cao siêu, đâu có thạo tay nghề như như mấy anh hoạn lợn vẫn rao ngoài đường. Cơ quan tôi có người nghi ngờ, hay là anh làm vỡ thận hoặc cấu thủng ruột lợn mất rồi?

 

Tôi sợ đến bạc mặt, hai mắt đỏ hoe, không bị anh ta hoạn mà đau hơn hoạn. Vội chạy ra chợ Kim Liên gọi chị hàng thịt vào bán đổ bán tháo gỡ để mong gỡ được đồng nào hay đồng ấy. Sau lần đó, tôi loay hoay chẳng biết làm gì để có thêm thu nhập, đành thử quay sang học nghề...  làm thơ, ngờ đâu “mần” thơ vừa vất vả vừa khó kiếm tiền. Khó như nuôi lợn Tết./.                            

                                                                                   

    Duy Khoát

                                                                            


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang