Thứ Năm, 25/04/2024 03:55:16 GMT+7

Tin đăng lúc 23-12-2015

Lượt xem: 3858

Mùa Giáng sinh phẳng lặng

Giáng sinh là một trong những thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm, là cơ hội để mọi người trao tặng nhau những món quà ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm chia sẻ tới gia đình, bạn bè. Hàng loạt các chương trình, chiến dịch truyền thông được các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng để thu hút khách hàng, đặc biệt là với các đối tượng nghiện mua sắm, khiến thị trường bán lẻ vào những ngày này trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Mùa Giáng sinh phẳng lặng

Ngành bán lẻ với mùa lễ hội

 

Mỗi độ Giáng sinh về sẽ mang lại không ít cơ hội cho ngành bán lẻ bội thu, doanh số một tuần lễ hội, từ Giáng sinh đến Tết Dương lịch có khi bằng nửa năm. Nhưng, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt; nâng cao chất lượng phục vụ; áp dụng công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại, hiệu qủa để giảm chi phí cũng được coi là những bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam.  Bởi vậy, Giáng sinh năm nay được dự báo sẽ “phẳng lặng”, nghĩa là sẽ vẫn ảm đạm như mùa lễ hội năm ngoái.

 

Kết quả cuộc thăm dò tâm lý người tiêu dùng trên thị trường nói chung cho thấy, hiện không có sự thay đổi lạc quan nào trong việc kinh doanh so với năm 2014 và có tới 85% các hộ gia đình Việt Nam dự định sẽ chi tiêu bằng hoặc ít hơn năm ngoái, riêng các mặt hàng áo quần và đồ nội thất sẽ giảm khoảng 2% so với cùng kỳ, các cửa hàng điện tử gia dụng cũng sẽ có một mùa kinh doanh u ám hơn.

 

Mặc dù nền kinh tế mới đây đã khởi sắc hơn nhưng sự phục hồi nếu có vẫn chưa lan tới ngành bán lẻ - một ngành kinh doanh có quan hệ mật thiết tới công ăn việc làm, tới thu nhập có ổn định hay không của người dân, rồi người tiêu dùng lại đang ra sức tiết kiệm ở mức kỷ lục…, những yếu tố này hợp lại mang tới cho các nhà bán lẻ một mùa lễ hội lạnh giá nữa.

 

Mặt hàng thiết thực sẽ được ưa chuộng

 

Lúc này đây, người tiêu dùng ở mọi tầng lớp thu nhập đều giảm, kéo theo chi tiêu và các chuyến đi mua sắm cũng giảm theo. Do vậy, mùa Giáng sinh năm nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm phục vụ việc giải trí ở nhà được dự đoán sẽ bán chạy nhất, đó là các sản phẩm truyền thống như ông già Noel nhảy dù, hoa kết dây mây, cây thông dạ quang, nai kim tuyến…, món đồ trang trí không thể thiếu trong đêm noel như con tuần lộc, hươu, nai… được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên như mây, tre, nứa… được tạo dáng rất tinh tế. Đó là, các sản phẩm nồi niêu soong chảo, điện tử dân dụng, đĩa DVD, rượu, thuốc lá, các vật dụng phòng ngủ, phòng tắm sẽ là nhóm hàng được ưa chuộng.

 

Chủ cửa hàng quà tặng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) cho biết, hoa kim tuyến, chuông dây chuỗi, đèn trang trí có giá từ 5.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng là những sản phẩm bán chạy nhất trong nhiều tuần qua. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng cũng đã sở hữu những món đồ đủ để trang trí góc vườn, góc nhà. Hay người tuyết là một trong những sản phẩm trang trí được người tiêu dùng quan tâm trong những mùa Noel. Tuy nhiên, sức mua sản phẩm này rất kém bởi chúng được làm rất công phu, giá thành khá đắt do nguyên liệu chủ yếu phải nhập ngoại nên đẩy giá bán lên cao, đó cũng là một yếu tố bất lợi trong cạnh tranh. So với mọi năm, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm trang trí Noel của các cơ sở sản xuất và kinh doanh quà tặng trong nước. Tuy nhiên, hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt những món đồ có xuất xứ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, cùng một sản phẩm thủ công nhưng hàng trong nước thô hơn. Theo người bán, về độ bền thì hàng trong nước tốt hơn nhưng đó chưa phải là thứ mà người tiêu dùng quan tâm nên dường như món đồ này bán rất chậm.

 

Trước thực trạng thị trường mùa lễ hội ảm đạm như vậy, buộc các cửa hàng cao cấp phải xem lại hàng tồn kho, nên tích trữ nhiều hơn các mặt hàng có giá trị thực tế vì các gia đình giầu có cũng sẽ bỏ qua những sản phẩm đắt tiền như đồ trang sức, túi xách, quần áo hàng hiệu để mua các vật dụng thiết yếu như máy phát điện, đồ dùng nhà bếp và các vật dụng trang trí trong nhà, trò chơi gia đình. Còn nữa, trong thời buổi suy thoái kinh tế thì các sản phẩm đắt tiền như đồ nữ trang, dụng cụ thể thao, các tour du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là chuyện bình thường, điều này có thể buộc các công ty cung ứng những sản phẩm và dịch vụ những mặt hàng trong TOP “đẳng cấp” phải đưa ra các mức giảm giá đặc biệt, thậm chí sẽ giảm giá ngay trước lễ Tạ Ơn diễn ra từ những ngày cuối tháng 11, kéo dài cho tới Giáng sinh và Tết Dương lịch.

 

Cạnh tranh giảm giá

 

Mùa Giáng sinh được coi là mùa của lễ hội mua sắm tưng bừng nhất trong năm. Đây cũng là dịp giảm giá lớn nhất trong năm khi hàng loạt mặt hàng từ thời trang, tiêu dùng đến điện máy đều đồng loạt tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người tiêu dùng. Và đương nhiên người mua đã biết chờ đợi, trì hoãn việc mua sắm để được giảm giá nhiều hơn”.

 

Các chuỗi cửa hàng lớn đã bắt đầu cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút người tiêu dùng. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy những ngày này từ các Trung tâm thương mại, siêu thị cho đến các cửa hàng nhỏ lẻ đều dễ dàng bắt gặp các biển hiệu quảng cáo, các Poster giới thiệu về những chương trình khuyến mãi, giảm giá, quà tặng của nhiều thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Các mặt hàng khuyến mãi chủ yếu là thời trang, đồ gia dụng, công nghệ, điện máy…

 

Tại Trung tâm điện máy Pico trên đường Nguyễn Trãi (TP.HCM) một tấm biển quảng cáo “Mùa lễ hội, mùa giảm giá lớn nhất”. Theo đó, siêu thị này sẽ giảm giá ồ ạt, không hạn chế số lượng đối với nhiều mặt hàng điện tử; Hệ thống siêu thị Coopmart cũng làm nóng bầu không khí mùa lễ hội với chương trình “Gõ cửa Giáng sinh”, chào đón năm mới, khách hàng vừa được mua sắm với mức giá ưu đãi, vừa có cơ hội nhận hàng nghìn quà tặng; Nhiều cửa hàng thời trang trên phố Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng… (Hà Nội), cũng trưng biển giảm giá đến 50% cho tất cả các mặt hàng nhân dịp Giáng sinh; Công ty Taka Việt Nam cũng tri ân khách hàng bằng chuỗi sự kiện khuyến mãi “Cào tem ngay - Bay đi Nhật” áp dụng cho hàng loạt sản phẩm như bếp gas âm, bếp gas dương, bếp điện từ âm, bếp hồng ngoại, nồi cơm điện, nồi áp suất đa năng, lò nướng, máy hút mùi, máy lọc nước và hàng chục mặt hàng bếp và đồ gia dụng cao cấp khác….

 

Có thể nói, đối với các doanh nghiệp thì các chương trình khuyến mãi, giảm giá vào dịp lễ lớn trong năm là thời cơ hấp dẫn để kích cầu mua sắm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, còn với người tiêu dùng thì đây là cơ hội mua sắm tốt nhất không nên bỏ lỡ.

 

Mùa lễ hội năm 2015, ngành bán lẻ có cần một “phép mầu” để đạt mức tăng trưởng dương? Không nhất thiết. Chỉ biết rằng, nhà bán lẻ đã có được mùa lễ hội không bị ám ảnh bởi suy thoái, và nền  kinh tế đang dần phục hồi trở lại, cho dù nỗi lo lắng của người tiêu dùng vẫn chưa phai nhạt.

 

Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang