Thứ Năm, 18/04/2024 18:28:12 GMT+7

Tin đăng lúc 25-02-2020

Lượt xem: 2151

Mua sắm giảm trong mùa dịch bệnh

Ý thức về sức khỏe và vệ sinh của người tiêu dùng Việt Nam ngày một được nâng cao, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các sản phẩm vệ sinh cho chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình (xà phòng, nước rửa tay, nước rửa tay, sản phẩm gia dụng, khăn giấy…).
Mua sắm giảm trong mùa dịch bệnh
Dịch Covid-19 đang có tác động rõ nét tới xu hướng tiêu dùng

Đến thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Theo ông Jason Yu, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel khu vực Châu Á, trong thời gian ngắn trước mắt, dịch bệnh đã trở thành trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Điều này khiến ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam được tăng lên rõ rệt.

 

Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng Việt đang giảm lưu lượng mua sắm ở những siêu thị, trung tâm mua sắm vào thời gian đông người, trái ngược với trước đây (khi chưa có dịch bệnh), các nơi này đều rất đông khách, hiện tại chỉ còn 60% lượng khách đến mua sắm vào các ngày nghỉ trong tuần. Và mặc dù các giỏ hàng của khách đều lớn hơn thông thường cả về lượng và giá trị do người dân thường tranh thủ mua nhiều để hạn chế đi lại, nhưng không thể kéo doanh số kinh doanh lên trong ngắn hạn.

 

Tại khu vực thành thị, hiện chi tiêu cho ăn uống và các hoạt động khác bên ngoài đang bị cắt giảm mạnh, dẫn đến việc kinh doanh quán ăn, nhà hàng cũng trầm lắng hơn 30%. Ngược lại, ở nhóm sản phẩm chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân (nước rửa tay, khăn giấy ướt, kem dưỡng da tay…) thì tăng cao số lượng bán ra do ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng. Nhóm hàng thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép trái cây (giúp tăng khả năng miễn dịch) cũng có xu hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền (mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ…).

 

Về mặt bán lẻ, những nơi mua sắm nhỏ hơn, sạch sẽ và gần hơn như cửa hàng trên phố, siêu thị và cửa hàng tiện lợi sẽ tạm thời được ưa chuộng so với thị trường “ẩm ướt” (chợ truyền thống, chợ đầu mối) hoặc siêu thị. Cùng với đó, tình trạng này cũng đang làm tăng đáng kể số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà. Ở một khía cạnh khác, những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp và thương nhân sản xuất, phân phối và dự trữ hàng hóa, ảnh hưởng đến tăng giá gần như toàn bộ các nhóm hàng thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh.

 

Bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông công ty Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, trong trung hạn, tác động của dịch bệnh lần này đã đẩy nhanh sự phát triển các xu hướng mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Đó là, ý thức về sức khỏe và vệ sinh của người tiêu dùng Việt Nam ngày một được nâng cao, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các sản phẩm vệ sinh cho chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình (xà phòng, nước rửa tay, nước rửa tay, sản phẩm gia dụng, khăn giấy…). Hiện tại, sức mua nhóm hàng này tuy chưa tăng cao về số lượng, nhưng dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng bắt đầu quen mua và sẽ mua với khối lượng cao hơn.

 

Tiếp theo trong năm 2020 này sẽ gia tăng kinh doanh thương mại điện tử. Nhờ vào sự tiện lợi và lợi thế của nó, ít liên hệ trực tiếp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng sẽ tăng tốc với cả người mua sắm cũ và ngày càng thu hút người mua sắm mới (người chưa từng mua sắm trực tuyến trước đó).

 

Cuối cùng, sẽ có sự chuyển đổi liên tục từ hành vi mua sắm truyền thống sang mua sắm đa kênh. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của giới kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam (cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước) là trong 2 tháng đầu năm 2020, rất nhiều nhóm hàng tiêu dùng cá nhân thông dụng như hóa mỹ phẩm (nước tẩy rửa vệ sinh, khăn giấy, chỉ nha khoa…), văn phòng phẩm, hàng gia dụng… bắt đầu thiếu hàng trên quầy kệ, do nguồn cung từ Trung Quốc giảm hoặc ngưng hẳn.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang