Thứ Sáu, 29/03/2024 15:43:18 GMT+7

Tin đăng lúc 24-12-2018

Lượt xem: 16278

Mười hai dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương hiện giờ ra sao?

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2.
Mười hai dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương hiện giờ ra sao?
3 dây chuyền Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đang vận hành trở lại

Trong đó đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” và Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT ngày 14 tháng 11 năm 2017 về Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án nêu trên giai đoạn 2017 – 2020 để thống nhất quan điểm, mục tiêu, lộ trình và các phương án xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, Tập đoàn và Tổng công ty có dự án.

 

Sau hơn một năm triển khai xử lý, qua đánh giá cho thấy bước đầu có những chuyển biến tích cực tại 12 dự án, doanh nghiệp được đưa vào xử lý. Các dự án đi vào hoạt động ổn định hơn trước và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho người lao động tại các nhà máy, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Cụ thể như sau:

 

- Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018: Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận ước đạt 147,68 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng); 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn và đi vào sản xuất ổn định hơn.

 

- Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018, hiện đang khẩn trương tiến hành các phương án để vận hành toàn bộ nhà máy; 2 dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi (Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).

 

- Đối với 3 dự án xây dựng dở dang đều đã có phương án xử lý cụ thể và hiện đang tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.

 

- Một mặt, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp đã bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không bỏ thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp; mặt khác Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công thu về cho ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên). Bên cạnh đó, đã giảm được dư nợ tín dụng trung và dài hạn ở các dự án, doanh nghiệp (giảm 124 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/01/2018).

 

 

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang được xử lý triệt để

 

Trong thời gian tới, để bảo đảm thực hiện xử lý triệt để các tồn tại, yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương theo đúng mục tiêu, lộ trình và phương án đã được phê duyệt, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ xác định và quán triệt chỉ đạo là tập trung bám sát nội dung quan điểm, mục tiêu, giải pháp và phương án xử lý cụ thể theo Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp đã được phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nội dung nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đã được Ban Chỉ đạo ban hành và phân giao cho các Bộ ngành, các tập đoàn, tổng công ty và cơ quan có liên quan tại Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Ban Chỉ đạo; tập trung xử lý khẩn trương, dứt điểm những vấn đề hiện vẫn đang còn tồn tại, vướng mắc ở các dự án, doanh nghiệp. Đặc biệt là tập trung vào xử lý các tranh chấp tại các Hợp đồng EPC; tiếp tục đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các dự án, doanh nghiệp.

 

Có thể thấy, những kết quả nêu trên là tiền đề hết sức quan trọng để bảo đảm thực hiện, hoàn thành được mục tiêu, lộ trình đề ra là xử lý được dứt điểm các dự án, doanh nghiệp vào năm 2020.

                                                                                       

      Dương Hưng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang