Thứ Sáu, 29/03/2024 18:18:41 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2015

Lượt xem: 4242

Mường Cai đổi đời nhờ... điện

Từ khi có điện, cuộc sống của người dân xã Mường Cai (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) thay đổi hẳn. Thói quen du canh du cư, canh tác lạc hậu, cái nghèo, cái khổ từng bước được đẩy lùi. Một cuộc sống mới, hiện đại với những thiết bị phục vụ sản xuất, giải trí hay sinh hoạt hằng ngày như tivi, dàn âm thanh, tủ lạnh, máy xay xát, máy sấy ngô… đã theo điện về với các bản làng Mường Cai!
Mường Cai đổi đời nhờ... điện
Trẻ con bản Nà Giòn ngồi học dưới ánh sáng điện

Từ khi có điện, cuộc sống của người dân xã Mường Cai (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) thay đổi hẳn. Thói quen du canh du cư, canh tác lạc hậu, cái nghèo, cái khổ từng bước được đẩy lùi. Một cuộc sống mới, hiện đại với những thiết bị phục vụ sản xuất, giải trí hay sinh hoạt hằng ngày như tivi, dàn âm thanh, tủ lạnh, máy xay xát, máy sấy ngô… đã theo điện về với các bản làng Mường Cai!

 

Giấc mơ ngàn đời

 

Mường Cai nằm ở phía tây huyện Sông Mã, giáp với nước bạn Lào. Xã có 18 bản và là nơi sinh sống của 5 dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mông. Hầu hết diện tích của xã là đồi núi dốc, địa hình bị chia cắt, phức tạp và hiểm trở, nhiều bản làng nằm mãi nơi rừng sâu, núi thẳm, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Mùa khô thì có thể đi lại được, còn mùa mưa thì chịu, bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

 

Hôm tôi vào, Mường Cai vừa trải qua một trận mưa lớn. Cơn mưa làm con đường đất đang trong giai đoạn thi công, mở rộng trở nên đặc quánh, lầy lội, trơn trượt. Mặc dù đã phải nhờ tới anh xe ôm người bản địa dẫn đường, nhưng cũng phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được quãng đường gần 30km từ trung tâm huyện Sông Mã đến trụ sở UBND xã Mường Cai.


Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Mường Cai, lại nhiều năm làm cán bộ xã, ông Sùng Páo Lanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Mường Cai hiểu hơn ai hết tất thảy những thay đổi ở mảnh đất này. Ông bảo, cuộc sống của người dân Mường Cai trước kia khổ lắm. Thiếu ăn, thiếu mặc, rồi nghiện hút, vượt biên trái phép… Nói đến thuốc phiện, Mường Cai từng được biết đến là xã có diện tích trồng cây anh túc lớn nhất tỉnh Sơn La. Người dân trong xã chẳng mấy ai chịu đi nương, đi rẫy, mấy chục ha trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa nước gần như bị bỏ hoang. Sau này, khi các cấp chính quyền tỉnh Sơn La, đặc biệt là lực lượng công an vào cuộc, xóa hết diện tích trồng cây thuốc phiện ở Mường Cai.

 

Không còn cây thuốc phiện, lại được chính quyền tuyên truyền, vận động, rồi hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã chuyên tâm vào việc đi nương, làm rẫy. Hàng chục ha đất canh tác của xã được phủ kín nhưng cuộc sống của người dân vẫn nghèo, vẫn khổ. Đi lại khó khăn lại không có điện nên ngô, sắn thu về không bảo quản được, buộc phải bán với giá rẻ cho tư thương nên hiệu quả kinh tế rất thấp.

 

Không có điện, chiếc tivi hay cái đài cát-sét là những thứ hết sức xa xỉ mà họ chỉ được thấy mỗi lần có dịp ra phố huyện. Người dân Mường Cai chỉ biết đến ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, của bếp than hồng và họa hoằn lắm là ánh đèn ắc-quy hay chiếc máy phát điện nhỏ đặt ngoài suối. Ban ngày, người lớn lên nương, trẻ con đến trường học. Tối đến, cả bản chìm trong bóng tối, chỉ còn lại là ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn dầu, lập lòe như đom đóm trong đêm. Có điện lưới để mua chiếc tivi, cái đài cát-sét mà nghe thời sự, học cách làm ăn của người dân khắp cả nước, mua cái máy sấy để sấy ngô, bảo quản trong kho, được giá mới bán, hay nhỏ nhất là có cái bóng đèn thắp sáng cho con cháu học bài… là giấc mơ xa của người Mường Cai.

 

Tháng 10/2013, lưới điện quốc gia đã được kéo về 15/18 bản của Mường Cai. Ngày Mường Cai có điện, người dân đổ ra đường ăn mừng như trẩy hội. Bản nào bản đấy đều mổ trâu, mổ bò để cảm ơn “lính ngành điện” đã kéo điện về bản. Họ dắt tay nhau nhảy múa, ca hát suốt đêm, vui mừng khôn tả.

 

Bí thư Lanh bảo: “Đó là ngày bắt đầu cho những thay đổi ở Mường Cai. Giấc mơ bao đời của đồng bào các dân tộc Mường Cai đã trở thành sự thật. Người ta kéo nhau ra huyện, ra tỉnh để mua cái tivi, chiếc tủ lạnh, rồi cái lò sấy, chiếc máy sát cứ như trẩy hội”.

 

Rời trụ sở UBND xã Mường Cai, theo chân Bí thư Lanh, tôi xuống bản Nà Giòn - 1 trong 15 bản có điện lưới quốc gia của xã. Bản Nà Giòn hiện có hơn 110 hộ, với trên 300 nhân khẩu. Nà Giòn từng là một trong những bản khó khăn nhất của Mường Cai. Cũng như các bản khác của xã, cuộc sống của người dân chỉ biết trông vào cây ngô, cây sắn. Cả bản chẳng có nổi một cái đài bán dẫn. Nguồn sáng duy nhất mà Nà Giòn có được chỉ là chiếc máy phát điện nhỏ đặt ngoài suối của nhà Lò Văn Thanh. Nhưng cuối năm 2013, khi có điện lưới quốc gia, lại được sự hỗ trợ của chính quyền, người dân Nà Giòn đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đứng ở đầu bản Nà Giòn, không khó để tôi nhận ra nhìn những ngôi nhà sàn mái đỏ tươi, với cả chục nhà kho chất đầy ngô, và vui tai nhất là âm thanh của loa đài, của tivi, của tiếng máy nổ…

 

Đặt chân vào một cửa hàng tạp hóa nằm giữa bản Nà Giòn, tôi thực sự bất ngờ với những thứ được bày bán ở đây và nếu nói không ngoa thì chẳng kém cửa hàng tạp hóa nào dưới xuôi. Chủ cửa hàng là anh Lò Văn Phong, dân tộc Thái. Qua lời kể của anh Phong tôi được biết, cửa hàng này anh chị đã mở từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, vì cuộc sống của người dân còn khó khăn, quy mô của cửa hàng cũng khá khiêm tốn, chỉ loanh quanh mấy thứ hàng như mắm, muối, mì chính, vài ba gói kẹo… Và để tăng thu nhập cho gia đình, bên cạnh cửa hàng tạp hóa, anh còn mở một cửa hàng xay xát nhỏ, thu nhập hằng tháng cũng chỉ đủ ăn. Khoảng 1 năm trở lại đây, kể từ khi Mường Cai có điện, cuộc sống của người dân được cải thiện nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên. Người dân không chỉ cần những thứ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như trước mà giờ đây, họ còn cần cả bóng điện, dây điện, chiếc quạt điện, cái giắc cắm video, rồi thì chai bia, cốc nước mát… Cửa hàng tạp hóa của anh cũng vì thế mà phải mở rộng, nâng cấp lên. Rồi thì cái máy xát chạy dầu cũng vậy, buộc phải thay thế bằng máy chạy điện để phục vụ nhu cầu của bà con. Nếu như trước kia, ngô sắn làm ra phải bán hết vì không có điện bảo quản thì nay người dân đã xây lò sấy, làm nhà kho để bảo quản, được giá thì họ mới bán còn không thì họ để đấy, mang ra xay xát nuôi lợn, nuôi gà, hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Nhờ người dân đã thay đổi cách làm ăn nên thu nhập từ chiếc máy xay xát cũng tăng đáng kể, mỗi tháng sau khi trừ chi phí cũng được hơn 2 triệu đồng.

 

Phong bảo, rất nhiều hộ khác ở Mường Cai đã thoát nghèo từ khi có điện. Qua đài, tivi, lại được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, nhiều mô hình làm ăn mới như nuôi lợn, gà hay dê đã được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Bí thư Chi bộ bản Nà Giòn Lò Văn Hai khẳng định, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi điện lưới quốc gia được kéo về bản, số hộ nghèo đã giảm từ 42% xuống còn 36%. Trẻ con trong bản đến tuổi đi học đều được học hành đầy đủ. Thậm chí, nhà có điều kiện còn gửi con ra ngoài huyện để học.

 

Nói về những thay đổi này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải cho hay: “Nhiều xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Sơn La mặt bằng dân trí rất thấp, các thế lực thù địch thường lợi dụng để gây dối, chống phá, lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào làm những việc sai trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, việc có điện lưới không chỉ tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn giúp công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và tuyên truyền pháp luật của Nhà nước đối với các vùng này sẽ được tăng cường thường xuyên hơn, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và tạo lòng tin với Đảng, Nhà nước. Từ đó góp phần ổn định an ninh nông thôn, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết với nước bạn Lào”.

 

Công lao “lính ngành điện”

 

Nói về những ngày gian nan trên công trường đưa điện về Mường Cai, anh Nguyễn Tân Cương - Giám đốc Công ty Điện lực Sông Mã cho biết: “Mường Cai là xã biên giới giáp Lào, cách trung tâm huyện Sông Mã gần 30km. Đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là người Mông. Đường đi vào Mường Cai chỉ duy nhất con đường độc đạo. Mùa khô thì còn đỡ chứ mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, ngập bùn lầy, đi lại vô cùng khó khăn. Các vị trí cột cũng chủ yếu bám theo con đường này. Lúc nằm chông chênh giữa những con suối, khi thì cheo leo lưng chừng núi. Và cũng chính vì vậy, mỗi lúc trời đổ mưa, toàn bộ công trường gần như tê liệt do không chuyển được vật tư vào. Anh em phải dựng lán trại, cứ cơm nắm với muối vừng bám trụ với công trường. Chỗ thuận tiện thì không sao, anh em có thể dùng cáng hay xe chuyển vật liệu vào. Còn chỗ nào nằm ngang núi thì phải gùi từng bao cát, bao sỏi, bao xi măng... Rồi thì chuyện kéo dây cũng vậy, tất tần tật đều phải dùng sức người, không có sự hỗ trợ của bất kỳ máy móc nào cả... Điện lưới quốc gia đã mang lại những đổi thay hết sức to lớn cho xã biên giới Mường Cai”.

 

Cửa hàng xay xát của anh Lò Văn Phong

 

Kéo điện về Mường Cai khó khăn, vất vả là vậy nhưng việc duy trì dòng điện ổn định, thông suốt, với chất lượng tốt nhất, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn lại khó khăn hơn gấp bội. Nó đặt ra rất nhiều thách thức cho người thợ điện và nếu không có sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, chắc chắn rất khó để họ vượt qua.

 

Anh Lê Quốc Huy - Đội trưởng Đội Kinh doanh số 1, Điện lực Sông Mã, người đã có mặt ở Sông Mã ngay từ ngày đầu khi dự án cấp điện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Sông Mã được triển khai cho hay, thi công đường dây cấp điện vào các xã, bản đã khó nhưng việc phải làm sao cấp điện cho bà con đầy đủ, an toàn, với chất lượng tốt nhất lại khó khăn hơn nhiều. Và cái khó lớn nhất mà các anh phải trải qua là địa bàn rộng, nhiều thôn bản nằm xa trung tâm, chỗ xa nhất có khi lên tới 70km. Trong khi đó, đường nhựa, đường bê-tông lại không có. Vậy nên, để vượt quãng đường này đến sửa chữa hoặc thu tiền điện cho bà con là cả một quá trình. Và nếu không có sự nhiệt tình của công nhân ngành điện thì bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới rất khó có điện.

 

Rồi anh kể lại những lần băng rừng, vượt suối cùng anh em xuống các thôn, bản để sửa chữa hoặc thu tiền điện. Quãng đường dài đến cả vài chục km nhưng đến nơi, có khi bà con không có nhà, đi nương, làm rẫy hoặc có nhà thì lại chẳng có tiền, họ ra vườn bắt con gà hay vào nhà vác bao ngô ra đóng... tiền điện mà cười ra nước mắt. Đã vậy, hộ thu được tiền thì có khi cả tháng họ chỉ hết 5-7 ngàn đồng. Hay những lúc có sự cố, đến nơi, vào tận nhà gặp bà con rồi mà cũng chịu vì không hiểu tiếng. Mặt đối mặt nhưng không biết diễn tả sao cho ra cái sự cố đó nằm ở đâu mà phải đợi cán bộ xã, cán bộ bản đến phiên dịch mới xử lý xong.

 

Người thợ điện vùng cao cực nhọc mấy cũng không chùn bước. Cái khó, cái khổ vốn dĩ đã đồng hành với anh em ngay từ những ngày đầu phát tuyến, dựng cột, kéo dây. Vậy nên, với tinh thần bà con được dùng điện, không cái khó, cái khổ nào có thể cản nổi bước chân người thợ điện. Thậm chí, vì dòng điện thông suốt, nhiều người trong số họ đã phải chấp nhận hy sinh vì công việc.

 

 

 

Qua câu chuyện của anh Huy, tôi được biết, vợ anh là giáo viên hiện đang công tác tại thành phố Sơn La. Anh chị lấy nhau được 7 năm và đã có với nhau 2 con. Cháu đầu là con trai hiện đang học lớp 1 và cháu thứ hai là gái. Và cả 2 lần vợ anh sinh con, anh đều đang công tác xa nên cũng chẳng có nhiều thời gian bên chị. Ví như khi chị sinh cháu thứ hai, lúc đó anh đang tham gia dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Sông Mã. Công trường thi công đang trong giai đoạn nước rút. Nhận được tin chị sinh cháu, anh chạy xe máy một mạch từ Sông Mã về Sơn La nhưng cũng chỉ kịp nhìn mặt con một lát rồi phải quay lại công trường. Và phải đúng 1 tháng sau anh mới quay trở lại gặp mặt con lần thứ hai. Rồi sau đó là những tháng ngày anh bám đường dây, bám bản để giữ cho dòng điện thông suốt. Thậm chí có những đêm mưa, trời thì tối đen, đường thì trơn trượt, lầy lội nhưng khi nhận được tin báo có sự cố, anh lại sẵn sàng cùng mọi người lên đường, mò mẫm để khắc phục, sửa chữa một cách nhanh nhất, phục vụ cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào. Với các anh, một ngày đồng bào không có điện là một ngày các anh “đứng ngồi không yên”, thấy có lỗi với bà con quá.

 

Cũng vì mục tiêu cấp điện một cách an toàn, đầy đủ, với chất lượng tốt nhất, tập thể cán bộ, công nhân viên Điện lực Sơn La đã chủ động góp tiền để xây các nhà trực cụm. Mô hình nhà trực cụm được đặt ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa để giúp cán bộ công, nhân điện đỡ vất vả, bám địa bàn tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

 

Theo ông Phạm Văn Long, Điện lực Sơn La đang quản lý vận hành hơn 3.340km đường dây trung thế, gần 3.400km đường dây hạ thế, khoảng 1.451 trạm phân phối và trạm trung gian với 218.032 khách hàng tại 204 xã, phường, thị trấn. Do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, cũng như năng suất lao động của các công nhân điện lực. Chính vì thế, nhằm giảm bớt những khó khăn vất vả của công nhân, Điện lực Sơn La đã có sáng kiến xây dựng các nhà trực cụm điện lực xã. Ngoài trụ sở chính của điện lực mỗi huyện, cứ 3-5 xã gần nhau sẽ có một nhà trực cụm với quân số 7-10 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ, vật tư phục vụ công việc. Công nhân tại nhà trực sẽ thực hiện các nhiệm vụ như quản lý vận hành, phân phối kinh doanh, phát triển khách hàng; tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân, sửa chữa, xử lý sự cố về điện; ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện; tuyên truyền tiết kiệm điện và nhiều nhiệm vụ khác. Đây cũng là mô hình được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá cao và coi là mô hình điểm để nhân rộng tại nhiều địa phương.

 

 

Rời Mường Cai, rời Sông Mã khi trời đã nhá nhem tối. Nhìn từng chiếc cột, mét dây cheo leo, vắt vẻo lưng chừng núi tựa như sợi pha lê xẻ dọc núi rừng Tây Bắc, mang điện đến với đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Sơn La, tôi mới thấu hiểu nỗi vất cả, gian truân mà những người thợ điện đã phải vượt qua. Và chắc chắn, nếu không có tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tâm cao độ, sợi pha lê đó sẽ khó hình thành. Rồi nhìn những thôn bản nằm dọc đường đi, ánh điện sáng choang, tiếng đài, tiếng tivi, tiếng trò chuyện, cười đùa râm ran cả một góc rừng, tôi hiểu rằng, vùng biên giới xa xôi này đang được chiếu sáng, thứ ánh sáng của mơ ước, của khát vọng!

 

                                                                         Theo: Thanh Ngọc (Báo Năng lượng mới số 338)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang