Thứ Sáu, 29/03/2024 08:30:14 GMT+7

Tin đăng lúc 27-01-2018

Lượt xem: 4275

Mỹ bảo hộ máy giặt, nguy cơ xuất khẩu lao đao

Động thái áp mức thuế mới từ 20% đến 50% đối với máy giặt nhập khẩu (NK) tiếp tục là lời cảnh báo chính sách bảo hộ ở Mỹ khiến cho việc xuất khẩu (XK) máy giặt nói riêng và XK nói chung từ Việt Nam vào thị trường chủ lực này sẽ ngày càng ngặt nghèo trong thời gian tới.
Mỹ bảo hộ máy giặt, nguy cơ xuất khẩu lao đao

Theo mức thuế quan đối với máy giặt NK được chính quyền Mỹ mới thông qua, đối với 1,2 triệu chiếc máy giặt dân dụng loại lớn đầu tiên NK vào thị trường này, thuế suất sẽ bắt đầu ở mức 20%, sau đó sẽ lên đến 50% trước khi giảm dần xuống trong những năm tiếp theo.

 

Nhắm vào Samsung, LG

 

Trước đó, vào tháng 12/2017, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC), đã đề nghị Tổng thống Donald Trump áp mức thuế suất 50% đối với các máy giặt cỡ lớn do Samsung và LG sản xuất, khi vượt qua hạn ngạch 1,2 triệu chiếc.

 

Điều đáng nói, Samsung và LG mỗi năm ước tính bán khoảng 2 triệu máy giặt tại Mỹ, chiếm 35% thị phần nước này. Cho nên, ITC viện dẫn rằng máy giặt thương hiệu Hàn Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp nước này. 

 

Vấn đề đáng lo ở đây, như nhận định của hãng tin Bloomberg, Việt Nam là một trong hai nhà XK máy giặt lớn nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hai tập đoàn khổng lồ Hàn Quốc có sản xuất máy giặt là Samsung và LG lại đang “đóng đô” tại Việt Nam.

 

Cách đây 4 năm, Samsung đã đầu tư 2 tỷ USD để hình thành khu tổ hợp sản xuất đồ gia dụng tổng hợp (trong đó có sản xuất máy giặt) với diện tích 94ha thuộc Khu công nghệ cao Sài Gòn.

 

Hai năm trở lại đây, dây chuyền sản xuất máy giặt ở khu tổ hợp này dường như không ngừng nghỉ để cho ra lò máy giặt thương hiệu Samsung nhằm XK sang một trong những thị trường hấp dẫn nhất là Mỹ. 

 

Còn LG, cách đây 3 năm đã khai trương tổ hợp công nghệ sản xuất đồ gia dụng, điện tử tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) với quy mô lớn nhất trong các nhà máy của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á. 

 

Trong đó, hệ thống hoạt động sản xuất máy giặt của LG cực kỳ sôi động với quy mô 1,8 triệu chiếc máy giặt trong năm 2017 và dự kiến đến năm 2020 là 2,2 triệu chiếc. Số máy giặt này cũng được nhắm đến thị trường Mỹ.

 

Thế nhưng, mọi thứ đã bắt đầu đi theo chiều hướng không tốt, nhất là ở thị trường NK máy giặt tại Mỹ. Đó là vào tháng 7/2017, ITC đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với máy giặt NK vào thị trường Mỹ.

 

Thực chất của vụ việc này là nhắm vào hai nhà sản xuất sản phẩm máy giặt lớn là Samsung và LG tại Việt Nam, xuất phát từ cáo buộc của phía nguyên đơn là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ).

 

Một phần cũng vì thị phần máy giặt của Whirlpool tại Mỹ năm vừa qua giảm chỉ còn 17,3% và bị Samsung giành mất vị trí quán quân, còn LG giữ vị trí thứ ba. 

 

Thị trường lớn nhưng đầy bất trắc

 

Giới chuyên gia cho rằng trong trường hợp sản phẩm máy giặt mang thương hiệu “Made in Vietnam” bị áp mức thuế đặc biệt với thuế suất cao thì việc XK máy giặt của Samsung và LG sẽ bị ảnh hưởng lớn.

 

Cần nói thêm, hàng ngàn người lao động ở hai nhà máy sản xuất máy giặt của Samsung và LG tại Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất việc nếu như xảy ra chuyện cắt giảm XK sang Mỹ. 

 

Ngay như Samsung, vốn đang có khoảng 1.400 lao động Việt Nam, nhằm dự kiến sản xuất 1 triệu máy giặt để xuất sang Mỹ cũng sẽ đối mặt nhiều bất trắc.

 

 

Trên thực tế, chính sách nặng về bảo hộ ở Mỹ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống đang là nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia xem thị trường Mỹ là thị trường chủ lực, trong đó có Việt Nam. Điều này từng được giới chuyên gia lưu ý từ cách đây hơn một năm. 

 

Thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy XK của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2017 đã đạt hơn 41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng kim ngạch XK và tăng 8,2% so với năm 2016. Cũng nên nhắc thêm, năm 2017 vừa qua, kim ngạch XK ra thị trường thế giới của Samsung Việt Nam cũng lần đầu ở mức hơn 50 tỷ USD.

 

Hiện nay, dù tăng trưởng XK sang thị trường Mỹ vẫn giữ được ở mức trung bình, nhưng những canh cánh về chính sách bảo hộ tại thị trường này vẫn là điều đáng lưu tâm.

 

Đáng chú ý là XK sang Mỹ chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Hiện trên thế giới có 16 quốc gia đang xuất siêu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam.

 

Nên nhớ rằng một phần lớn (dù chưa được xác định chính xác là bao nhiêu) của kim ngạch XK Việt Nam sang Mỹ và các thị trường khác là có sự đóng góp từ các mặt hàng của Samsung. Tuy nhiên, công đoạn sản xuất ở Việt Nam chỉ đóng góp thêm 5 – 8% vào giá trị thành phẩm của các sản phẩm này.

 

Có thể thấy với bản chất bảo hộ thương mại nội địa, Mỹ sẽ luôn có xu hướng sử dụng hoặc lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá. Điều này dễ dàng đẩy doanh nghiệp XK Việt Nam vào thế khó khăn hơn trong thời gian tới.

 

Thế Vinh
Máy giặt nhập khẩu vào Mỹ bị áp mức thuế mới 20% - 50% sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu máy giặt của Việt Nam

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang