Thứ Sáu, 19/04/2024 13:14:03 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2018

Lượt xem: 5592

Năm 2018 - Mở ra nhiều vận hội mới với Việt Nam

Năm 2017, được coi là năm để chúng ta chuẩn bị hành trang đưa đất nước trỗi dậy với đầy đủ thế và lực mang đến năm 2018 - năm mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới bao la.
Năm 2018 - Mở ra nhiều vận hội mới với Việt Nam
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC chụp ảnh lưu niệm

Khi Việt Nam chưa thực hiện công cuộc đổi mới, mức sống của nhân dân ta so với thế giới là mức sống của dân nghèo, đất nước ta là một đất nước nghèo. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, gây sự chú ý và ngạc nhiên đối với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Năm 2015, GDP tăng 6,68% (so với năm 2014) và GDP đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2015 (năm 2011 tăng 6,25%; 2012 tăng 5,25%; 2013 tăng 5,42%; 2014 tăng 5,98%). Năm 2016, GDP đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD (so với năm 2015). Mức sống này so với các nước phát triển thì còn thấp, nhưng với chúng ta thì đáng tự hào. Đến năm 2017, GDP ước tính tăng 6,81% (so với năm 2016); quy mô nền kinh tế đạt trên 5 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng, tương đương  2.385 USD; tăng 170 USD. Hàng loạt điểm sáng phải kể đến đó là: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng đáng kể, với khoảng 120.000 doanh nghiệp được ra đời, có số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD và vốn thực hiện là 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% (đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua); KNNK ước đạt 211,1 tỷ USD... Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.

 

Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn bước vào nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cùng chính sách kinh tế đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư mang vốn và công nghệ tiên tiến vào Việt Nam để mở ra một diện mạo mới, làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam, từ một nước nông nghiệp chuyển sang nền kinh tế công nghiệp hiện đại hóa. Năm 2016, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng ổn định về chính trị, là nước giàu tiềm năng để phát triển, đã thắt chặt, làm sâu sắc và đa dạng hóa các mối quan hệ, hợp tác với các nước đối tác, đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao với nhiều nước trên thế giới.

 

Cụ thể, trong năm đã diễn ra nhiều sự kiện để lại dấu ấn quan trọng đối với vị thế quốc gia: Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7; Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF - Mekong). Đồng thời, cũng đã phát huy vai trò tích cực trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN và làm tốt vai trò Ủy viên của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc như: Hội đồng nhân quyền; Hội đồng Kinh tế Xã hội; Hội đồng Chấp hành UNESCO và lần đầu tiên đại diện của Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Pháp luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn cùng 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, với việc đã hoàn tất hoặc đang tiếp tục triển khai đàm phán tổng cộng 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang tham gia vào mạng lưới FTA cùng 60 đối tác với đóng góp gần 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, trên 80% thương mại thế giới; Đóng góp vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, cũng như nhằm thúc đẩy sự chủ động tham gia hiệu quả và có trách nhiệm của Việt Nam tại hơn 70 tổ chức chính trị, kinh tế từ cấp tiểu vùng, khu vực đến liên khu vực và toàn cầu. Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

 

Năm 2017, cũng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác: Kỷ niệm 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc; 50 năm thành lập ASEAN... Đặc biệt, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò “chủ nhà” của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 mang chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC trong vòng hơn 10 năm qua - một minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với nước ta cũng như cho thấy sự nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng toàn diện và sâu rộng.

 

Hội nghị APEC 2017 đã thành công tốt đẹp, cho thấy vai trò, vị thế của tổ chức này trong việc dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư và thương mại quốc tế. Đến nay, APEC đã chiếm khoảng 60,5% GDP toàn cầu, 51% thương mại quốc tế và 53,1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn nữa, đăng cai kỳ APEC lần này, Việt Nam vừa phải thúc đẩy thương mại tự do, vừa phải vạch lộ trình để APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn đa phương đáng tin cậy. Việc bộ trưởng các nước thành viên đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP, qua đây cho thấy Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành được nhiệm vụ đầy khó khăn này. APEC đã mở ra cơ hội tuyệt vời để các cuộc đàm phán bên lề như CPTPP được diễn ra và được thông qua. Thành công của APEC không chỉ giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trên thế giới, với các cường quốc kinh tế, mà còn nâng tầm đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020; Ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; Nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018.

 

APEC được coi là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm, đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 11.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Tất cả đã nói lên một Việt Nam hòa bình, ổn định, năng động và mến khách. Ngay sau hội nghị APEC, lãnh đạo cấp cao nước ta đã liên tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam, trong đó có Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc… Những chuyến thăm này đã mang lại những kết quả tốt đẹp cho các bên.

 

Trải qua hơn 30 năm đổi mới đã cho thấy Đảng và Nhà nước ta không chỉ có tài thao lược, lãnh đạo, chỉ đạo trong các cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập, bảo vệ Tổ quốc trong quá khứ, mà Đảng và Nhà nước ta cũng đủ bản lĩnh, mưu lược để lãnh đạo, chỉ đạo nước ta trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, chiến thắng đói nghèo, tăng cường vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội, mạnh về an ninh, quốc phòng. Những bài học kinh nghiệm qúy báu được rút ra ở chặng đường đổi mới thực sự hữu ích cho chặng đường mà Việt Nam đang phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển. Để đạt được mục tiêu to lớn này, mọi tầng lớp người dân Việt Nam nói chung phải tự vươn lên, vượt qua những khó khăn trước mắt để tự khẳng định mình, nhất là khi chúng ta đã tham gia vào sân chơi lớn WTO, vận hội nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Trong hành trang của mỗi người dân Việt Nam trên bước đường đi cần phải có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước. Hành trang đó không thể thiếu vắng sự đoàn kết của cả cộng đồng doanh nghiệp, của các tập đoàn kinh tế Việt Nam; sự liên kết chặt chẽ của cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước; sự nỗ lực vươn lên trong học tập để mỗi người dân Việt Nam phải là những người lao động có tri thức, có kỹ thuật và kỷ luật..., từ đó sẽ làm nên sức mạnh tổng thể, đưa kinh tế Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc, không để tụt hậu trước xu thế toàn cầu hóa.

 

Với đà này, tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu, rộng, gắn kết chặt chẽ Việt Nam với dòng chảy của thế giới. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một đất nước không chỉ có nền kinh tế năng động, mà còn là một đất nước tươi đẹp, giàu tiềm năng, một đất nước có nhiều di sản thiên nhiên của thế giới, các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đất nước Việt Nam mãi tỏa sáng, luôn là điểm đến hấp dẫn về đầu tư, kinh doanh và du lịch.

 

Anh Thư


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang