Thứ Bẩy, 20/04/2024 17:16:49 GMT+7

Tin đăng lúc 09-07-2018

Lượt xem: 2634

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình đầu tiên trong bảy chương trình đột phá mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, chương trình đã đạt những kết quả nhất định, tạo động lực quan trọng thúc đẩy thành phố phát triển. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tạo sự đột phá mạnh mẽ hơn đối với chương trình “xương sống” này.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Công nhân Công ty cổ phần Công nghiệp Minh Nguyên (Khu công nghệ cao, quận 9, TP Hồ Chí Minh) trong giờ sản xuất.

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, UBND thành phố, gắn kết tốt với thực hiện các chủ trương về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, tạo bước phát triển mới trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; quy chế thu hút đội ngũ chuyên gia; chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC).

 

Tính đến quý I năm 2018, thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước hơn 26.555 lượt CB,CC,VC; giai đoạn 2016 - 2017, bồi dưỡng chuyên sâu ở nước ngoài từ ngân sách cho 581 trường hợp. Việc đẩy mạnh đào tạo lý luận chính trị đã nâng cao bản lĩnh, nhận thức của đội ngũ CB,CC,VC, góp phần nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng thực thi chức trách, nhiệm vụ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðội ngũ CB,CC,VC thuộc các chương trình cán bộ trẻ bước đầu thể hiện được phẩm chất, năng lực tốt, một số có tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo, mong muốn cống hiến cho sự phát triển của thành phố.

 

Trên lĩnh vực y tế, chỉ tiêu ngành đề ra đạt kết quả khả quan về số bác sĩ, số điều dưỡng/10.000 dân; số bác sĩ công tác tại trạm y tế có trình độ chuyên khoa I và tương đương trở lên; số trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Trình độ, năng lực đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế ngày càng được nâng lên đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Một số chương trình đào tạo y tế của thành phố được quan tâm đầu tư tiếp cận chuẩn quốc tế khi dịch chuyển lao động tự do trong nội khối ASEAN.

 

Mạng lưới cơ sở đào tạo được củng cố và phát triển, quy mô đào tạo được mở rộng; tinh thần trách nhiệm, tự giác của các trường đại học, cao đẳng trong thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn quy định đã tạo hiệu ứng lan tỏa lớn. Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên các trường, các cơ sở đào tạo thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, tiếp cận và từng bước đạt được các tiêu chí cơ bản của đào tạo theo trình độ tiên tiến. Ðiều kiện cơ sở vật chất được cải thiện, đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp năm 2016 đạt tỷ lệ trung bình 78% và đáp ứng yêu cầu công việc của các ngành trọng điểm.

 

Hơn hai năm qua, việc tuyển chọn, thuê chuyên gia các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được thể chế hóa đã đẩy mạnh việc liên kết đào tạo chuyên sâu cho diễn viên, vận động viên, nhất là đối với các hình thức truyền nghề, tập huấn ngắn hạn cho các ngành truyền thống, các môn nghệ thuật hàn lâm, đồng thời phát huy năng lực vận động viên thuộc các môn thể thao trọng điểm như taekwondo, boxing, điền kinh, cờ vua, bơi lội, cử tạ.

 

Công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư, từng bước gắn với công tác phân tích và dự báo nhu cầu lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường , nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm theo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từng địa phương và đặc thù của thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Công tác giáo dục nghề nghiệp từng bước được chuyên nghiệp hóa và đi vào chiều sâu; chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận quốc tế trong điều kiện dịch chuyển và cạnh tranh lao động khu vực ASEAN. Việc tổ chức đào tạo đội ngũ doanh nhân đã được giao cụ thể cho các tổ chức có kinh nghiệm và thực hiện thường xuyên.

 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự bắt kịp được với tiến độ chung của chương trình. Một số kế hoạch, đề án chưa kịp thời ban hành; cơ sở vật chất một số trường đại học, cao đẳng còn hạn chế; chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chưa đủ sức hấp dẫn nhiều tài năng trẻ.

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chương trình đột phá khác, cần phải thay đổi phương thức tổ chức, triển khai thực hiện. Mỗi chương trình cần có đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách trực tiếp và Ban Thường vụ Thành ủy sẽ cử một đồng chí Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ cùng tham gia vào các chương trình để bảo đảm sự lãnh đạo chung của Ðảng, sự điều hành của chính quyền, sự giám sát của Ðảng và nhân dân. Thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho nên cần mạnh dạn thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới, hoàn thiện công tác đánh giá gắn với khuyến khích tăng thu nhập để động viên CB,CC,VC làm việc thật hiệu quả trong thực hiện bảy chương trình đột phá.

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình “xương sống” trong bảy chương trình đột phá của thành phố. Chính vì thế, việc thực hiện tốt chương trình này sẽ có sự tác động mạnh mẽ, tạo bước đột phá cho thành phố trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, thực hiện đạt kết quả tốt các mục tiêu đã đề ra.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang