Thứ Tư, 24/04/2024 15:56:53 GMT+7

Tin đăng lúc 19-05-2017

Lượt xem: 4614

Nâng cao chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở An Giang

Những năm gần đây, An Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển làng nghề, trong đó hoạt động khuyến công đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội của địa phương.
Nâng cao chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở An Giang
Dệt chiếu bằng máy, công suất gấp 3 - 4 lần so với làm thủ công

An Giang là tỉnh có hàng trăm làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử, với nhiều loại sản phẩm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như: Mắm Châu Đốc, đường thốt nốt, mộc chợ Thủ,… từ lâu đã luôn thu hút, hấp dẫn du khách thập phương. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề tại nông thôn của tỉnh An Giang đều gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, nhiều cơ sở không đủ điều kiện để tiếp cận máy móc công nghệ hiện đại, dẫn tới tình trạng chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm làm cho thu nhập của các hộ sản xuất giảm sút. Một trong những khó khăn lớn nhất là nhiều hộ sản xuất, lao động địa phương không còn mặn mà với làng nghề mà chuyển sang làm công việc khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Điều này đã làm cho không ít làng nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một.

 

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang (TTKC) đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề, chủ yếu ở các nhóm ngành nghề, như: Hàng thực phẩm, chế biến nông sản, dệt may, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ…, đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những hoạt động hỗ trợ này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, mà còn giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động thủ công, lao động nông thôn.

 

Cụ thể, năm 2017, TTKC đã hỗ trợ 10,25 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 4,55 tỷ đồng) để thực hiện một số nội dung như: Đào tạo việc làm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ liên doanh, liên kết sản xuất… Trong đó, dành gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 16 cơ sở sản xuất TTCN trong tỉnh, mỗi cơ sở được hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị. Đây là những giải pháp thiết thực giúp cho các cơ sở công nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ máy móc thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Là đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, ông Lê Văn Thọ, chủ Cơ sở sản xuất Chiếu Tài Thọ (ấp Long Hiệp, xã Long An, TX. Tân Châu) vui mừng cho biết, nhờ nguồn vốn khuyến công mà gia đình anh đã trang bị được máy dệt chiếu tự động phục vụ sản xuất, nếu như trước đây phải cần 8 lao động mới có thể làm được 50-60 chiếc chiếu/ngày thì sau khi có máy dệt chiếu tự động, các sản phẩm sản xuất ra đồng đều về kiểu dáng và kích thước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

 

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại mỗi địa phương. Thế nhưng để duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành thì cũng rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, biết nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

 

Bảo Kiên

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang