Thứ Bẩy, 20/04/2024 06:02:14 GMT+7

Tin đăng lúc 31-07-2020

Lượt xem: 1116

Nâng cao năng lực cạnh tranh - Điều kiện sống còn của doanh nghiệp CNHT trong thời kỳ hội nhập

Cả nước hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Đến nay, nhiều sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được gần 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đáp ứng 25% giá trị sản xuất công nghiệp và tạo thêm hàng nghìn việc làm mới mỗi năm.
Nâng cao năng lực cạnh tranh - Điều kiện sống còn của doanh nghiệp CNHT trong thời kỳ hội nhập
Các doanh nghiệp CNHT trong nước cần phải chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm… để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn trên thị trường thế giới. Mọi doanh nghiệp đều đứng trước những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Các doanh nghiệp CNHT có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà, đặc biệt, sau khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, doanh nghiệp CNHT càng khẳng định được tầm quan trọng và chỗ đứng trên trường quốc tế. Tuy nhiên so với yêu cầu của quá trình đổi mới, phát triển và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp CNHT trong nước vẫn còn nhiều yếu kém, sức cạnh tranh thấp và chưa tương xứng với những lợi thế có được. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNHT trong tiến trình hội nhập có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia.

 

Trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp CNHT có một vai trò quan trọng, là nhân tố góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; đóng góp rất lớn vào việc cung ứng hàng hóa, thu ngân sách; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước… Trong bối cảnh mới hiện nay, doanh nghiệp CNHT có những điểm mà nếu tận dụng và khai thác tốt thì cơ hội phát triển cho cho các doanh nghiệp này là rất lớn. Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thì các doanh nghiệp CNHT đang đứng trước thời cơ thuận lợi để phát triển bứt phá. Bởi, khi các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… bị tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh Covid-19 thì đến nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tính đến phương án tìm đối tác CNHT trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp CNHT cần tranh thủ tận dụng để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng này.

         

Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp CNHT trong nước là đang phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp này phần đông đều thiếu vốn, chuyên gia, thợ bậc cao và người lao động có kĩ thuật, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, trình độ, cũng như công tác quản lý trong các doanh nghiệp CNHT vẫn còn đang ở mức thấp so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp CNHT Việt Nam mới đủ năng lực tham gia vào một số sản phẩm đơn giản với giá trị kinh tế thấp và chưa thể đáp ứng được yêu cầu của một số ngành có sự đòi hỏi độ tinh xảo cao về sản phẩm, ví như ngành ô tô, điện tử công nghệ cao… Để cải thiện và ứng phó với sự cạnh tranh, các doanh nghiệp CNHT trong nước cần phải có kế hoạch chuẩn bị bài bản hơn. Bên cạnh đó, cần phải chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời, tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển. 

         

Thiếu vốn luôn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp CNHT. Đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trước thềm hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng và vị trí của ngành CNHT trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, những năm qua, Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp với các nhóm công việc chủ yếu như duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khuân khổ pháp lý với quy trình thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Điển hình như mới đây, chia sẻ về các mục tiêu quan trọng của ngành Công Thương trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẳng định, ngành CNHT là ngành công nghiệp trọng yếu và tập trung mọi nguồn lực phát triển. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, dễ dàng tiếp cận với thị trường nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp CNHT phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.

         

Minh Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang