Thứ Sáu, 29/03/2024 22:00:47 GMT+7

Tin đăng lúc 18-04-2018

Lượt xem: 3099

Nên xem xét kỹ về Dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”

Ngày 18/4/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm về Dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” (Cơ quan thường trực soạn thảo là Bộ Y tế). Tọa đàm có sự hiện diện của đại biểu, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, y tế, đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Nên xem xét kỹ về Dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”
Tọa đàm thu hút đông đảo đại biểu các ban ngành chức năng tham dự

Tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến, trao đổi về việc: có cần thiết ban hành “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”; tác động của Luật này đối với phát triển kinh tế xã hội, phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia; trao đổi về tính hiệu quả, thực tiễn của những quy định kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cuả Bộ Y tế.

 

Qua Tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các ban ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp,… băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật.

 

 

PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA tham luận tại Tọa đàm

 

Trình bày tham luận khai mạc Tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA khẳng định: “Nếu sử dụng rượu, bia điều độ, phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại, còn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và WHO đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12 ngày 02 năm 2014 về Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020…”.

 

Nguyên nhân chính gây ra tác hại hay các vụ ngộ độc là do người tiêu dùng sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm. Theo một nghiên cứu điều tra của PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thực hiện trên quy mô quốc gia tại 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 01 năm 2016 cho thấy, rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn (ước 2.000 tỷ đồng theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế). Do vậy, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.

 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch VBA nhấn mạnh: “Hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia khá đầy đủ, có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, … Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt? Cần sửa đổi, bổ sung vào hệ thống văn bản này và xem xét kỹ lưỡng về nhiều điểm chưa khả thi của Dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Dự án cần tập trung vào các vấn đề về rượu dân tự nấu, rượu nhập lậu, rượu thuốc đang buôn bán tràn lan trôi nổi trên thị trường. Nếu thực hiện tốt nghiêm chỉnh các quy định tại các văn bản: Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu; Quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Luật An toàn Thực phẩm; Luật Quảng cáo; Luật Đầu tư; Bộ luật xử lý vi phạm hành chính.... thì nhà nước sẽ quản lý tốt được những hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia…”.

 

 

PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và các Vấn đề xã hôi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa ra nhiều số liệu nghiên cứu tại Tọa đàm

 

Hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania)… Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật đã ban hành tới các nhà sản xuất và truyền thông để nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa; không lạm dụng đồ uống có cồn, không nhất thiết phải ban hành thêm một đạo luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của nó mang lại.

 

 

Ông Matthew Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

 

Ông Matthew Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam nêu quan điểm: “Heineken cho rằng một số yếu tố trong Dự án Luật này có thể tạo ra tác động lớn và tiêu cực đến nền kinh tế, thậm chí gián tiếp tiếp tay cho hoạt động kinh doanh bia, rượu bất hợp pháp và có hại cho người tiêu dùng. Ví dụ bên cạnh việc bất hợp lý trong quy định khoảng thời gian được uống trong ngày, việc cấm doanh nghiệp rượu, bia tài trợ và quảng cáo chỉ cho các doanh nghiệp ngành bia, rượu giảm sức cạnh tranh và nó cũng không mang lại lợi ích cho bất cứ đối tượng nào. Nhiều doanh nghiệp như Heineken, Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn đã đồng hành cùng nhiều sự kiện ý nghĩa và quy mô lớn ở Việt Nam như Countdown, Giờ Trái Đất, đường đua F1,… Nếu như hoạt động này không còn được cho phép, người Việt sẽ không còn được trải nghiệm thú vị và sôi nổi như vậy nữa khi mà Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa - xã hội…”.

 

Nhìn nhận về Quỹ Nâng cao sức khỏe, đại diện Heineken cũng thẳng thắn cho biết, đây là một mô hình không hiệu quả, minh chứng là ở nhiều nước trên thế giới tỷ lệ phân bổ ngân sách quỹ cho hoạt động phòng, chống tác hại chỉ ở mức dưới 5%. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp đang hướng đến việc triển khai những chiến dịch điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, như chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe” của Heineken năm 2017, thì nếu Quỹ đi vào hoạt động khoản chi phí đang sử dụng cho những chương trình này sẽ bị phân bổ lại, thay thế bởi những chương trình kém hiệu quả hơn.

 

Cũng tại Tọa đàm, nhiều đại biểu ban ngành chức năng của Quốc hội, Luật sư, Hiệp hội ngành hàng liên quan, chuyên gia đã đưa ra ý kiến về việc nên xác định đúng và tập trung vào vấn đề nghiêm trọng là rượu lậu và rượu tự nấu không được kiểm chứng nguồn gốc và chất lượng, thay vì đưa ra những điều kiện gây hoang mang và bất lợi cho các doanh nghiệp. Người tiêu dùng khi không được cung cấp đúng theo nhu cầu có thể sẽ tìm đến những loại rượu rẻ tiền, không hợp pháp và kéo theo là một loạt các hệ lụy về sức khỏe.

 

 Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam mong muốn Quốc hội quan tâm và xem xét về việc có cần thiết ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi nó có tạo điều kiện cho Ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

 

 Nam Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang