Thứ Năm, 28/03/2024 23:35:40 GMT+7

Tin đăng lúc 22-03-2023

Lượt xem: 576

Ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang là mảnh đất màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, nhiều đối tượng kinh doanh còn trả phí cho Facebook, Google... để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và lừa đảo khách hàng.
Ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử
Ảnh minh họa

Nhiều vụ việc điển hình

 

Tại Hà Nội, thời gian qua đã có nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội bị lực lượng chức năng phát hiện. Điển hình, mới đây, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 22, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11, ngách 2, ngõ 123, phố Trần Cung do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ.

 

Kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử, lực lượng chức năng phát hiện bà Hiền đang sử dụng sàn thương mại điện tử Shopee có đường link: shopee.vn/hienboida2326” và facebook có đường link:“facebook.com/DacTriTri686868” với tên Shop Tiểu Vy 3 - Chuyên hàng nhập khẩu Âu Mỹ để bán sản phẩm thuốc trị bệnh trĩ nhãn có chữ MR.DAFLON, loại15g/tuýp.

 

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: “Đoàn kiểm tra truy cập vào các đường link trên Shopee, Facebook trên và xác định bà Hiền có cung cấp thông tin buôn bán hàng giả trên môi trường internet như hình ảnh hàng hóa, có dòng chữ “MR.DAFLON” gắn trên sản phẩm, là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ”.

 

Đây là vụ việc điển hình mà đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT, mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả mạo nhãn hiệu, thuốc không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua có những vụ việc xảy ra không chỉ ở Hà Nội, đối tượng sản xuất ở tỉnh bên cạnh, đưa lên mạng xã hội để bán và mạng xã hội là kênh tiêu thụ cũng như luân chuyển hàng hóa.

 

Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

 

Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

 

Bên cạnh đó, phương thức "treo đầu dê, bán thịt chó" cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng thì hình ảnh và thông tin là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

 

Đáng lưu ý hơn, nhận thức của một bộ phận người dân đôi khi còn hạn chế, hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết.

 

Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm

 

Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.

 

Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, theo đó, việc tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

 

Nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, giả mạo doanh nghiệp khác... trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung vào một số giải pháp.

 

Cụ thể như tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

 

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế, nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

 

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

 

Cục cũng sẽ tham mưu với Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website vi phạm pháp luật.

 

An Nhi

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang