Thứ Sáu, 19/04/2024 15:42:26 GMT+7

Tin đăng lúc 27-12-2020

Lượt xem: 858

Ngành bán lẻ “vượt” Covid-19

Sự tăng trưởng vượt bậc của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là động lực giúp doanh nghiệp ngành bán lẻ gia tăng quy mô trên thị trường.
Ngành bán lẻ “vượt” Covid-19
Thị trường phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ mở rộng hệ thống phân phối

Kỳ vọng tăng trưởng

 

Nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho thấy, nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng nội địa đã trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Động lực cốt lõi này vẫn được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2020 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có nhịp bật trong năm 2021 nhờ vào niềm tin tiêu dùng hồi phục và vắc-xin Covid-19 được phổ biến.

 

Theo dữ liệu của The Conference Board và Nielsen trong quý II/2020, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đạt 117 điểm, cao thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ với 123 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này không cao so với mọi năm, do tác động của dịch Covid-19.

 

Với việc ngăn chặn thành công dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý III khi tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,23% so với quý II/2020 xuống 2,5%. VNDirect tin rằng niềm tin của người tiêu dùng có thể phục hồi vào cuối năm 2020 và năm 2021, đặc biệt nếu vắc - xin được phổ biến rộng rãi vào năm 2021. Năm 2021, VNDirect kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% so với cùng kỳ.

 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9-9,5% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025. Với giả định tổng giá trị bán lẻ năm 2020 đi ngang so với năm 2019, nhóm phân tích ước tính tổng giá trị bán lẻ sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần so với năm 2020.

 

Gia tăng quy mô phân phối

 

Thị trường phục hồi là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ tăng mở rộng hệ thống phân phối. Tập đoàn BRG có kế hoạch đưa ra thị trường 100 điểm HaproFood BRG Mart, siêu thị BRG Mart phục vụ người tiêu dùng trong thời gian tới. Trong khi đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tối thiểu đạt 2.000 điểm bán trong 5 tới và doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm.

 

Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng không giấu tham vọng mở rộng quy mô, như MUJI - thương hiệu Nhật Bản lâu đời về các sản phẩm gia dụng và đời sống, cũng mở cửa hàng đầu tiên của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh với diện tích 2.000m2 và sắp tới sẽ mở thêm cửa hàng tại TP. Hà Nội.

 

Theo các chuyên gia, dù thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng, song năm 2020 đã định hình lại lối chơi của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với các thay đổi quan trọng: Người tiêu dùng ngày càng đề cao xu hướng tiện lợi, an toàn trong mua sắm giữa bối cảnh Covid-19. Đây là điều các doanh nghiệp cần chú ý để chiếm lĩnh tốt thị trường.

 

Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp như phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối…

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang