Thứ Sáu, 29/03/2024 05:19:24 GMT+7

Tin đăng lúc 03-09-2016

Lượt xem: 11646

Ngành Công nghiệp chế biến - chế tạo Việt Nam: Triển vọng trở thành "điểm đến" của các Tập đoàn đa quốc gia

Phải thừa nhận rằng, nhiều năm trở lại đây ngành công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, ngành vẫn chưa có được sức “công phá” mạnh mẽ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt là những ngành công nghiệp mang tính nền tảng, giữ vai trò then chốt như: Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa phát huy được vai trò tiên phong trong việc tạo giá trị gia tăng cao cho ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam.
Ngành Công nghiệp chế biến - chế tạo Việt Nam: Triển vọng trở thành "điểm đến" của các Tập đoàn đa quốc gia
Hệ thống lạnh công nghiệp của Công ty CP Cơ điện lạnh miền Nam

Thực trạng buồn của ngành sản xuất công nghiệpViệt Nam

 

Sản xuất công nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế đất nước. Giai đoạn 2010-2015, giá trị gia tăng của ngành tăng 7,6%, giá trị sản xuất tăng bình quân 10%. Qua đó cho thấy 5 năm trở lại đây, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, hiện nay ngành công nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra: Cơ cấu công nghiệp của Việt Nam đang đứng trong “Top” rất thấp của đẳng cấp, việc chuyển dịch lên đẳng cấp cao còn rất chậm; công nghiệp nội địa vẫn thiên về khai thác tài nguyên theo mô hình gia công và sản xuất thô là chủ yếu, vì thế chưa mang lại giá trị gia tăng cao cho đất nước; những ngành công nghiệp mang tính nền tảng, then chốt như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo lại đang thiếu vắng trầm trọng, hay có chăng chỉ là hoạt động trong tình trạng “dặt dẹo” qua ngày, do đó chưa tạo được sức bật mạnh, cũng như chưa tham gia được vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đấy là chưa nói tới sản xuất tăng cao chỉ tập trung ở một số ngành có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi một số nhóm ngành thuộc khối các doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn. Còn nữa, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước do sản xuất của ngành chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ vận hành rất trì trệ... đây chính là rào cản lớn khiến ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác hết tiềm năng vốn có, cũng như các doanh nghiệp trong ngành chưa thể phát huy hết năng lực sản xuất của mình.

 

Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được phát triển ngang tầm khu vực và thế giới

 

Trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò quan trọng, vẫn được xem là trụ cột, là “xương sống” cho tăng trưởng kinh tế, việc Việt Nam đã ký kết, triển khai các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại không ít cơ hội quan trọng cho ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức, chính vì vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì nhất thiết phải phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phải coi đây là khâu trọng tâm để phát triển công nghiệp.

 

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2016 cho thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang mang lại nhiều tín hiệu vui với sự phát triển ngày một khả quan. Hiện có 91,1% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cho rằng, số lượng đơn hàng nhận được trong năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015, trong đó đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên trong năm nay. Có thể thấy lúc này đây ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã, đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu thống kê 2 tháng đầu năm 2016 cho thấy, đã có 216 dự án trong lĩnh vực này của nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, với vốn đăng ký là 1.717.049 triệu USD, số lượng dự án tăng vốn là 149, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1.190.981 triệu USD. So cùng kỳ 2015, số dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 1,88 lần; số vốn đăng ký cấp mới tăng 1,79 lần; tổng số vốn đăng ký cấp mới tăng thêm 2,08 lần. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh không chỉ thu hút và giải quyết được nhiều việc làm, giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc và quan trọng hơn là tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước, sớm thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

 

Là ngành công nghiệp mới, còn non trẻ - công nghiệp chế biến, chế tạo rất cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước để tồn tại và phát triển bền vững. Các chuyên gia nhận định: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã, đang có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chấp nhận khó khăn ban đầu để đầu tư khoa học công nghệ, nhân sự... thì mới có thể hòa nhập được với thị trường và phát triển bền vững trong tương lai; các doanh nghiệp trong nước phải chủ động liên kết với nhau, tạo thành mạng lưới khép kín từ sản xuất sản phẩm, đến phân phối, tiêu dùng, tránh phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

 

Cùng với sự thay đổi vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đã mở ra nhiều hy vọng để ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng tạo nhiều bứt phá, công nghiệp chế biến, chế tạo có khả năng trở thành “điểm đến” của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các Trung tâm chế biến, chế tạo. Do đó, cần phải nhận diện xu thế, đánh giá đúng về khả năng, nguồn lực... để có được các giải pháp đúng đắn, mang tính toàn diện. Được vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sẽ “cất cánh” cùng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực và thế giới là điều không khó. 

 

Tuấn Anh 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang