Thứ Năm, 18/04/2024 13:29:42 GMT+7

Tin đăng lúc 01-10-2020

Lượt xem: 816

Ngành Công nghiệp Quảng Ngãi Triển vọng tăng tốc

Ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngành Công nghiệp Quảng Ngãi Triển vọng tăng tốc
Cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất sẵn sàng đón tàu trọng tải 200.000 tấn.

Tỉnh Quảng Ngãi đã xác định, phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá và ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề để tập trung lãnh đạo thực hiện. Nhờ vậy, ngành công nghiệp ngày càng phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, phát triển theo chiều sâu, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm mới.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng

 

Hiện nay, sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Quảng Ngãi thuộc nhóm ngành chế biến, chế tạo, chiếm hơn 98% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó, công nghiệp lọc hóa dầu chiếm tỷ trọng hơn 60%; chế biến thực phẩm, đồ uống (hơn 8%); sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí (hơn 4%); sản phẩm mới từ ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất kim loại (gần 4%)… Riêng công nghiệp dệt may, da giày cũng là ngành có lợi thế phát triển của tỉnh Quảng Ngãi với mức tăng trưởng 12,7%/năm, nhờ có nguồn lao động tương đối dồi dào, gắn với KCN VSIP Quảng Ngãi.

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, trong 8 tháng đầu năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm ước đạt 81.109 tỷ đồng, đạt 57,8% kế hoạch năm, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt 57,8% kế hoạch năm, chủ yếu là ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường nguyên vật liệu đầu vào và thị trường đầu ra ngành dệt may, gia giày, lắp ráp linh kiện điện tử; ngành chế biến nông lâm, thủy sản bị gián đoạn. Riêng đối với ngành luyện thép, do ảnh hưởng dịch COVID-19, số lao động là chuyên gia nước ngoài chậm quay trở lại Việt Nam so với kế hoạch ban đầu để hoàn thành và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất-giai đoạn 2, công suất 2 triệu tấn sản phẩm thép cuộn cán nóng/năm nên sản lượng chưa đạt theo kế hoạch. Nhiều sản phẩm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, như: nước khoáng tăng 9%; đá xây dựng các loại tăng 19%; tinh bột mì tăng 12,8%; thép xây dựng tăng 203%...

 

Hạ tầng đồng bộ - lợi thế hút đầu tư

 

Một dấu ấn quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, cũng như tạo điều kiện để ngành công nghiệp tỉnh tăng tốc trong những năm tới là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đầu tư tại KKT Dung Quất. Bên cạnh đó, một số công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, dự án Thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ là động lực quan trọng cho ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ.

 

Theo ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trong giai đoạn 2016 - 2020, KKT Dung Quất tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong các KKT ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi từng bước được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất và hạ tầng giao thông trục chính cơ bản đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài KKT, KCN; đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút đầu tư.

 

Hiện nay, hệ thống hạ tầng trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang được đầu tư đồng bộ. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến đường Trì Bình - Cảng Dung Quất kết nối đường cao tốc và Quốc lộ 1 đến cảng Dung Quất cũng đã xây dựng hoàn thành. Hệ thống cảng biển nước sâu đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại có thể đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 200.000DWT. Đây là những lợi thế so sánh mang tính cốt lõi trong thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng.

 

Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững, hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong năm 2020, như tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang