Thứ Sáu, 29/03/2024 18:43:42 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2020

Lượt xem: 1443

Ngành Công Thương Bình Thuận duy trì ổn định qua “bão” dịch

5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị gián đoạn, gặp khó khăn, song hoạt động ngành Công Thương vẫn duy trì ổn định và phát triển.
Ngành Công Thương Bình Thuận duy trì ổn định qua “bão” dịch
Nhà máy điện mặt trời ĐaMi (Ảnh minh họa: Internet)

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Thuận, trong thời gian dịch Covid-19, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, bên cạnh công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Sở Công Thương tỉnh đã nhanh chóng kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, từ đó, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội.

 

Theo đó, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2020 đạt 17.140 tỷ đồng, tăng 8,91% so cùng kỳ năm 2019. Nổi bật là ngành sản xuất và phân phối điện, nước nóng, hơi nước đạt 8.644 tỷ đồng (tăng 17,48%) tiếp tục giữ vai trò chủ đạo; công nghiệp khai khoáng tăng 9,58%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,31%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,98%...

 

Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, tập trung chủ yếu khu vực phía Nam của tỉnh như: cụm công nghiệp Nam Hà (huyện Đức Linh) đã tương đối đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, cụm công nghiệp Đông Hà (huyện Đức Linh) đang triển khai thi công đường giao thông, cụm công nghiệp Tân Bình 1 (thị xã La Gi) đang triển khai thi công dự kiến hoàn thành đầu tư hạ tầng và đưa vào hoạt động tháng 11/2020,..; lũy kế đến nay có 23/35 cụm công nghiệp thu hút 171 dự án diện tích 266,2 ha chiếm 35,4%, giải quyết việc làm cho khoảng 8.160 lao động tại địa phương.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, thu hút được 03 dự án đầu tư (02 dự án ở khu công nghiệp; 01 dự án ở cụm công nghiệp) với tổng vốn đầu tư 53,86 tỷ đồng; Ngoài ra có 3 dự án đầu tư mở rộng ở khu công nghiệp tăng vốn thêm 95,52 tỷ đồng và 5 triệu USD; thu hút đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp có 03 dự án mới được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 176,6 tỷ đồng. Các công trình dự án điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng như: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3; các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió.

 

Đối với hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa vẫn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, Tết và đảm bảo đủ nguồn cung ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong suốt mùa dịch, không để khan hiếm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường nên hoạt động thương mại nội địa tương đối ổn định.

 

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của Việt Nam qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc cũng bị tác động, trong đó có thanh long tươi trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc dần khôi phục trở lại và diễn ra ổn định trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch”- đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho hay.

 

Xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 207,7 triệu USD, đạt 41,85% kế hoạch, giảm 3,01% so cùng kỳ. Nhóm hàng thủy sản đạt 63,5 triệu USD, tăng 2,31% so cùng kỳ năm 2019. Nhóm hàng nông sản đạt 5,2 triệu USD, tăng 2,62% so cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu quả thanh long đạt 3,8 triệu USD, tăng 19,87% so cùng kỳ, nông sản khác đạt 1,4 triệu USD, tăng 75,66% so cùng kỳ).

 

Nhóm hàng hóa khác đạt 139 triệu USD, giảm 5,44% so cùng kỳ, các doanh nghiệp may mặc, giầy dép gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, các đối tác ở các thị trường xuất khẩu tạm dừng và cắt giảm đơn đặt hàng. Kim ngạch nhập khẩu đạt 325 triệu USD, giảm 48,53% so cùng kỳ năm 2019 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Đặc biệt là nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

 

“Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp để trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, tiếp cận các chính sách của Trung ương về tín dụng vay vốn, giảm, giãn thuế, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”- đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho hay.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu,cụm công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở ngành và địa phương đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang