Thứ Ba, 23/04/2024 19:05:36 GMT+7

Tin đăng lúc 01-02-2016

Lượt xem: 4398

Ngành Công Thương Điện Biên: Thành quả đạt được từ những nỗ lực

Năm 2015, nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo cùng tinh thần đoàn kết nhất trí cao, Sở Công Thương (SCT) Điện Biên đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngành Công Thương Điện Biên:  Thành quả đạt được từ những nỗ lực
Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên Nguyễn Văn Tưởng đi kiểm tra nhà máy thủy điện Nậm Mức

Những thành quả nổi bật

 

Năm 2015, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của Điện Biên vẫn tăng 12,44% so với năm 2014; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 9,61% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38% so với năm 2014. Đặc biệt, hiện nay Lối mở A Pa Chải đã đủ điều kiện thực hiện cơ chế chính sách thí điểm xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa, nhờ vậy, hoạt động biên mậu có bước phát triển mới, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm 2015, toàn tỉnh có 130/130 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%, tăng so với cùng kỳ năm 2014 là 1,56%; 116/116 xã được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia ước đạt 85,05%.

Cùng với đó công tác khuyến công đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở CNNT, nâng cao tay nghề cho người lao động; hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được triển khai hiệu quả, ngành đã chỉ đạo tổ chức thành công 5 Hội chợ trên địa bàn tỉnh và 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới... Công tác quản lý thị trường được thực hiện bài bản và có hiệu quả. Qua các đợt thanh kiểm tra, đã xử phạt 868 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt, thu nộp ngân sách nhà nước là trên 685,441 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy trên 60 triệu đồng. Nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh đã bước đầu được khai thác, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường, đồng thời tăng thu ngân sách cho nhà nước.

 

Có thể thấy đây là những kết quả đáng tự hào của ngành Công Thương Điện Biên khi mà năm 2015, kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn phục hồi, cùng với đó những khó khăn như: Thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đầu tư chậm tiến độ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ, nhưng sản xuất Công nghiệp và hoạt động thương mại của tỉnh Điện Biên vẫn có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt ở mức khá, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đề ra, góp phần tích cực đối với sự phát triển KT - XH địa phương.

 

Chủ động đề xuất và triển khai hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm

 

Để có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh thì ngành Công Thương Điện Biên đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chủ động đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, trong hoạt động phát triển công nghiệp, một trong những điểm nổi bật của Ngành đó là tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong SXKD cho các DN về giải quyết các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án về thủy điện, lưới điện; tham mưu cho UBND tỉnh lập dự án đầu tư và xây dựng các công trình thủy điện như: Nậm Pô 2, Mường Nhé 2, Mường Mươn...; chú trọng đầu tư xây dựng lưới điện, triển khai các dự án đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh như: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, dự án mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu vùng xa... cùng với đó xây dựng các phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt đảm bảo an toàn cho các nhà máy thủy điện; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thông qua chương trình khuyến công và XTTM như hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT, đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nghề cho người lao động…

 

 

Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên Nguyễn Văn Tưởng (người thứ 3 từ phải sang) tại Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh Điện Biên

 

Trong hoạt động phát triển kinh doanh thương mại, Ngành đã tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các DN trong lĩnh vực XNK; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý thí điểm hoạt động kinh doanh XNK và tái xuất hàng hóa qua Lối mở A Pa Chải; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào hệ thống phân phối bán lẻ tới các khu vực vùng sâu, vùng xa; đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu thị trường, cung cấp các mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản hàng hóa cho nhân dân, nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển...; Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các DN, các hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các chương trình XTTM.

 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ngăn chặn buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cũng được lực lượng QLTT tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất thường, nhất là các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi... nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất.

 

Để hoạt động công thương tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn

 

Thời gian tới, với mục tiêu nâng cao hiệu quả, khắc phục những khó khăn hạn chế, SCT Điện Biên sẽ tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra như: Triển khai các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trên địa bàn làm cơ sở để thu hút đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, chăm lo phát triển nhân lực...

 

Có thể nói, ngành Công Thương Điện Biên đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc CNH-HĐH tỉnh nhà. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của tập thể CBVC-LĐ trong ngành thì cũng rất cần tới sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ phía Bộ Công Thương, UBND tỉnh cùng các cơ quan, ban ngành trong việc nghiên cứu và xây dựng nghiệp vụ quản lý mô hình tổ chức DN kinh doanh chợ, tập huấn đào tạo kiến thức có liên quan; xem xét tăng nguồn kinh phí khuyến công và XTTM cho địa phương. Đồng thời, hỗ trợ vốn thực hiện các dự án về điện, bình ổn giá thị trường, đầu tư hạ tầng thương mại... để các dự án sớm được triển khai và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh quá trình CNH – HĐH của tỉnh nhà, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Điện Biên lần thứ XIII đề ra./.

 

 

 

SCT Điện Biên đặt mục tiêu năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.870 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 8.570 tỷ đồng. Tổng kim ngạch XNK đạt 45 triệu USD. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia trên 89,68%.

 

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang