Thứ Sáu, 29/03/2024 13:10:06 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2019

Lượt xem: 3525

Ngành Công Thương Hà Giang: Đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, kết nối giao thương, phát triển sản xuất, kinh doanh... Qua đó, góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới - nơi địa đầu Tổ quốc.
Ngành Công Thương Hà Giang: Đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Hà Giang tập trung phát triển kinh tế biên mậu

Kết quả tích cực

 

Theo Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, năm 2018, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn diễn ra tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.462,28 tỷ đồng, tăng 16,57% so với năm trước, đạt 108,76% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 17,15% so với năm 2018.

 

Kết quả này cho thấy các chính sách của trung ương, ngành Công Thương và địa phương về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Một số DN công nghiệp thường xuyên duy trì được năng lực sản xuất, đạt và vượt kế hoạch như khai thác quặng sắt, chế biến antimon kim loại và sản xuất ván dán công nghiệp, sản xuất điện, nước…


Đặc biệt, Sở Công Thương đã đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian giao dịch. Cụ thể, năm 2018, Sở tổ chức rà soát 5 lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính do ngành quản lý; đưa 5 bộ thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 3; tiếp nhận 897 bộ thủ tục hồ sơ, chuyển các phòng chức năng giải quyết, trả kết quả đúng thời gian quy định 868 bộ, còn lại 29 bộ đang trong thời gian giải quyết.

 

Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi, biên giới, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô, trình độ, điểm xuất phát của nền sản xuất công nghiệp tại địa phương còn ở vị trí thấp so với mặt bằng khu vực. DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất không tập trung, trình độ công nghệ ở mức trung bình, tay nghề của lao động thấp, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa chưa đa dạng.

 

Phát triển kinh tế biên mậu

 

Năm 2019, ngành Công Thương Hà Giang sẽ tập trung thực hiện nhóm hành động phát triển kinh tế biên mậu, thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư... Theo đó, tăng cường rà soát, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn cho DN khai thác, chế biến khoáng sản và nông - lâm sản. Đặc biệt, đưa nhà máy sản xuất gỗ nén viên xuất khẩu công suất 15.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Nam Quang đi vào hoạt động; đôn đốc Nhà máy luyện chì kim loại công suất 10.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Bình Vàng sản xuất.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, nghị quyết, đề án, phương án về phát triển kinh tế biên mậu; duy trì hợp tác với Sở Thương mại Quảng Tây và châu Văn Sơn (Trung Quốc) để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế thương mại biên giới; phối hợp tham mưu UBND tỉnh hoàn thành việc hội đàm với Trung Quốc về việc mở các cặp chợ biên giới. Ngoài ra, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải pháp để gia tăng danh mục, số lượng các mặt hàng xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu của tỉnh Hà Giang; tăng cường thông tin, trao đổi với các DN XNK, đảm bảo hoạt động XNK diễn ra thực chất, chủ động...

 

Năm 2019, ngành Công Thương Hà Giang phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 6.500 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đạt 10.500 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 550 triệu USD.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang