Thứ Sáu, 19/04/2024 23:48:13 GMT+7

Tin đăng lúc 13-07-2018

Lượt xem: 3279

Ngành Công Thương khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Ngày 12/7/2018, tại Tp. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V, năm 2018.
Ngành Công Thương khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị có các ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cùng lãnh đạo các vụ, viện, tập đoàn trực thuộc Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

 

Tại Hội nghị, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã báo cáo kết quả hoạt động năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 của ngành Công Thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực có mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất trong năm 2017 đạt 442.970 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt hơn 198.000 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Nhiều tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Kon Tum (tăng 15,6%), Ninh Thuận (tăng 14,6%), Quảng Ngãi (tăng 13,5%), Đắk Nông (tăng 10,3%)…

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của khu vực cũng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Năm 2017 đạt 620.119 tỷ đồng, tăng 14,5% so năm trước, chiếm tỷ trọng 15,7% so với cả nước; trong 6 tháng đầu năm, ước đạt gần 341.450 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ và đạt gần 50% kế hoạch năm 2018.

 

Tính đến hết tháng 6/2018, toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 13 khu kinh tế với 476 dự án đã đi vào hoạt động, có tổng vốn thực hiện đạt trên 152.000 tỷ đồng; 67 khu công nghiệp có 1.558 dự án đã hoạt động với tổng số vốn thực hiện gần 151.000 tỷ đồng.

 

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2020, toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ có trên 360 CCN với tổng diện tích 9.815ha. Đến nay, đã có 215 CCN được thành lập và 162 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuậtđang được triển khai; 195 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 1.457 dự án đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt 61,5%. Việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và CCN đã góp phần tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Cụ thể, hiện nay, tổng số lao động tại các khu kinh tế, khu/CCN đạt gần 74.000 người, nộp ngân sách năm 2017 là 662 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận công tác quy hoạch ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa được đồng bộ và còn thiếu tầm nhìn chiến lược. Bởi ngành tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chưa bền vững, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm, ảnh hướng đến thu hút đầu tư… Do vậy, để ngành có thể phát triển bền vững, nhiều đại biểu đã kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương còn khó khăn thực hiện các chương trình, dự án về xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi hoặc tài trợ để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, liên kết nhóm bền vững hơn thông qua các gói vay ưu đãi, các quỹ đầu tư; có những định hướng cụ thể về việc phát triển nguồn năng lượng mặt trời để các địa phương và chủ đầu tư có cơ sở thực hiện…

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã ghi nhận những nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong khu vực khi đã đã chủ động mở rộng tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới; các doanh nghiệp đã tận dụng khai thác nhiều lợi thế hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan do các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ. Bên cạnh đó, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành công nghiệp; nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội giao thương với các thị trường tiềm năng; tăng cường hợp tác, phát huy sức mạnh liên kết vùng.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang