Thứ Tư, 17/04/2024 02:58:35 GMT+7

Tin đăng lúc 28-01-2016

Lượt xem: 3015

Ngành Công Thương: Nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển bền vững

Sáng ngày 31/12/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị.
Ngành Công Thương: Nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển bền vững
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016

Năm 2015 là năm cuối thực hiện các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015). Bên cạnh những thuận lợi nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự phục hồi chậm của thế giới, những căng thẳng về địa chính trị và xung đột lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc trong khu vực và trên thế giới; tình hình bất ổn trên biển Đông; giá dầu liên tục giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu giảm... đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có thương mại và phát triển sản xuất của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, do triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch cả năm, trong đó ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao, xuất khẩu tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng, cung cầu hàng hoá trong nước được đảm bảo, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.


Năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ của các năm gần đây, tăng 2 điểm % so với kết hoạch (7,8%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng so với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

 

Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết qủa khả quan so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).

 

Đối với hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2015 ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD. Năm 2015, cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khả quan tăng 8,1%. Đây là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu tăng trưởng. Nhóm hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 165, 6 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2014, tương đương với 17,8 tỷ USD; nhập khẩu hàng hoá phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, cơ cấu hàng hoá nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt. Cả nước 2015, nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạch xuất khẩu.

 

Thị trường hàng hoá trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hoá trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp... là những yếu tố thúc đẩy cầu tiêu dùng. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm 2015, kết quả là tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm so với các năm trước. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; Kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP.


Ngành công nghiệp đã cơ bản đảm bảo nhu cầu nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và cho đời sống nhân dân. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện, trong đó có nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên... Công nghiệp hàng tiêu dùng và thực phẩm, đồ uống cũng phát triển với tốc độ nhanh, thoả mãn nhu cầu trong nước và đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

 

Nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016, trong đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2016 tăng 6,7%, ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015. Xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.

 

Về sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp với tốc độ hợp lý, đảm bảo tính bền vững; phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

 

Đối với xuất khẩu, tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới và lợi thế của Việt Nam và phải coi đây là khâu đột phá; phát triển xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam hiện đang có lợi thế; Ưu tiên nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các hàng hóa trong nước đã sản xuất, hàng xa xỉ; Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; Nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại, kinh tế, FTA; Đẩy mạnh huy động mọi nguồn vốn, hình thức đầu tư để triển khai nhanh các dự án trong kỳ kế hoạch, ưu tiên tập trung những dự án trọng điểm, tăng cường năng lực quản lý và điều hành; triển khai các dự án đúng tiến độ, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí từ dự án…

 

PV

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang