Thứ Năm, 28/03/2024 19:43:59 GMT+7

Tin đăng lúc 30-01-2021

Lượt xem: 2106

Ngành Công Thương Thái Bình: Vượt dịch hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch vừa tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại năm 2020 của ngành.
Ngành Công Thương Thái Bình: Vượt dịch hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Dệt may chịu ảnh hưởng nặng

 

Theo Sở Công Thương Thái Bình, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2020 ước giảm 4,3% so với năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 68.873 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2019. Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 46.315 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.456 triệu USD, giảm 15,3% so với năm 2019, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch đạt 2.000 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.246 triệu USD, giảm 21,6% so với năm 2019, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch đạt 1.781 triệu USD). Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm mạnh như: Hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; bông các loại; xơ, sợi dệt các loại; vải các loại; sắt thép các loại…

 

Trong đó, các ngành như dệt chịu ảnh hưởng nặng nề do hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp phải lựa chọn nhiều giải pháp để đảm bảo vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo việc làm và giữ người lao động. Sản phẩm sợi từ bông tổng hợp giảm 18,7%; sản phẩm khăn mặt, khăn tắm và khăn khác giảm 36,7% so với năm 2019. Ngành may gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên vật liệu và ký hợp đồng, gia hạn đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tiến hành chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như: Đồ bảo hộ lao động, đồ dệt kim, sơ mi. Sản phẩm bộ comle quần áo đồng bộ giảm 11,2%; áo sơ mi dành cho người lớn giảm 7,4% so với năm 2019.


Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến mọi mặt về sản xuất và đời sống nhưng tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn được duy trì thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là hàng hóa thiết yếu thời điểm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là trong các dịp lễ và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở bán lẻ vẫn tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân không để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng, tăng giá đột biến.

 

Đặt mục tiêu khôi phục công nghiệp, thương mại

 

Các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tại tỉnh mặc dù đã hồi phục sau tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng giá trị sản xuất vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Còn một số ngành sản xuất chủ lực chưa được phục hồi hoặc phục hồi chậm như: Sản xuất thép, sản xuất hàng dệt may, gốm sứ, điện tử. Về thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án FDI đạt thấp. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành trong tỉnh còn yếu, doanh nghiệp trong tỉnh chưa sẵn sàng và chưa đáp ứng được yêu cầu liên doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm chưa cao. Thêm vào đó, việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại tạu địa phương còn khiêm tốn. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử đã được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm, tuy nhiên chưa được đầu tư đúng mức, chưa đổi mới phương pháp tiếp cận, do đó chưa khai thác được sức mạnh của công nghệ, internet trong phát triển, mở rộng thị trường. Hoạt động xuất nhập khẩu còn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, da giày, thị trường truyền thống là chủ yếu, chưa tận dụng, khai thác có hiệu quả các FTA.

 

Tiếp tục xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch vừa tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, ngành Công Thương Thái Bình tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu và giải pháp nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án trọng điểm về thương mại như: Trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm thương mại, hệ thống logistics, cảng biển, cảng ICD, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng bán lẻ,... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán cận kề, hoạt động lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu trong những giai đoạn tiêu dùng cao với nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

 

Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các FTA và xây dựng Đề án đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025.

 

Theo Sở Công Thương Thái Bình, mục tiêu trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt 79.770 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 50.807 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1.575 triệu USD, tăng 8,2%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.400 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2020.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang