Thứ Sáu, 19/04/2024 18:17:18 GMT+7

Tin đăng lúc 23-01-2017

Lượt xem: 3186

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần tăng trưởng KT-XH cho tỉnh

Năm 2016, năm đầu tiên triển khai NQ Đại Hội Đảng các cấp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, chịu nhiều rủi ro và tiếp tục xu hướng phục hồi chậm. Trong nước, nền kinh tế đang đà phát triển, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều khó khăn phát sinh như: Tăng trưởng GDP chậm hơn cùng kỳ năm trước, bất lợi về thời tiết, biến đổi khí hậu, hệ lụy ô nhiễm MT, nợ công, ... đã tác động lớn đến SXCN, dịch vụ TM cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Ngành Công Thương Thanh Hóa: Nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần tăng trưởng KT-XH cho tỉnh
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa

Trước tình hình đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Năm 2016, ngành Công Thương đã đạt kết quả toàn diện: Cả 3 chỉ tiêu đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ, gồm: Giá trị SXCN (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 63.589,7 tỷ đồng, bằng 101,8% KH, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu ước đạt 1.737 triệu USD bằng 107,2% KH, tăng 12,1% so cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 71.485 tỷ đồng, bằng 103,6% KH năm và tăng 16% cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Một số dự án mới đi vào sản xuất như: Dây chuyền 2 xi măng Công Thanh, dây chuyền 1 xi măng Long Sơn, các dự án may mặc, giày da... đã làm tăng năng lực sản xuất công nghiệp. Lĩnh vực may mặc, giày da… giải quyết tốt việc làm cho lao động, phát triển công nghiệp khu vực nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới (Toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở may công nghiệp, sử dụng 49,5 nghìn lao động và 13 nhà máy giày, sử dụng 57,6 nghìn lao động).

 

Trên địa bàn tỉnh có 89 dự án SXCN đang trong giai đoạn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 46.000 tỷ đồng. Năm 2016, tổng giá trị thục hiện đầu tư các dự án SXCN ước đạt 15.313 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch. Trong năm, đã có 14 dự án hoàn thành toàn bộ hoặc một phần đi vào sản xuất, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng SXCN toàn tỉnh.

 

Lĩnh vực hoạt động dịch vụ, thương mại đạt nhiều kết quả cao. Trong khi xuất khẩu cả nước gặp khó khăn, không đạt mục tiêu tăng trưởng, riêng xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng cao, vượt mục tiêu KH. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 ước đạt 1.737 triệu USD vượt KH 7,2%, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch đạt 1.554 triệu USD, tăng 12,6% cùng kỳ, xuất khẩu tiểu ngạch và qua tỉnh ngoài đạt 73,4 triệu USD, tăng 11,2% cùng kỳ, xuất khẩu dịch vụ đạt 109,6 triệu USD, tăng 6,1% cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực trong khi xuất khẩu cả nước được dự báo không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Thị trường nội tỉnh tiếp tục bình ổn, thông suốt, không phát sinh các yếu tố ảnh hưởng xấu. Hoạt động du lịch biển tại Sầm Sơn có những thay đổi đột phá sau đầu tư của Tập đoàn FLC, đã tạo sự tăng trưởng nóng về lượng du khách nghỉ dưỡng, tác động tích cực đến tăng trưởng dịch vụ thương mại của tỉnh.

 

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ (TMLCBL) năm 2016 ước đạt 71.485 tỷ đồng, bằng 103,6% KH, tăng 16% cùng kỳ (cả nước ước tăng 11%). Nếu loại trừ yếu tố giá, TMLCBL tăng 13,6% cùng kỳ (cả nước ước tăng 8,5%). Hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, phong phú. Công tác niêm yết giá và bán hàng theo niêm yết dần trở nên phổ biến. Hàng Việt Nam tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ, cửa hàng dân doanh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn với đa dạng mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn, chất lượng nâng cao hơn. Hàng hóa nhập ngoại được kiểm soát chặt chẽ tem phụ, thể hiện rõ nhất tại các cửa hàng kinh doanh rượu ngoại, hàng điện tử, điện máy...

 

Công tác quản lý thị trường được tăng cường, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường khắc phục khó khăn, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường quản lý địa bàn, dự báo sát diễn biến thị trường, triển khai hiệu quả công tác kiểm tra kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm như: Rượu ngoại, vật tư nông nghiệp, thuốc tân dược, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá ngoại, đường nhập lậu, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch vụ tại lễ hội xuân, du lịch biển, kiểm soát lưu thông thủy sản sau sự kiện ô nhiễm biển miền Trung, hoạt động kinh doanh tại hội chợ... Năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 5.976 vụ (tăng 577 vụ so với cùng kỳ), xử lý 5.103 vụ (tăng 473 vụ so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách 22,8 tỷ đồng (tăng 4,2 tỷ đồng so với cùng kỳ), trị giá hàng tịch thu chờ xử lý 1,8 tỷ đồng (tăng 0,43 tỷ đồng so với cùng kỳ).

 

Cùng với quản lý kinh doanh đa cấp, các ngành hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, quản lý hoạt động khuyến mại... tiếp tục được chú trọng. Trong năm, Sở Công Thương đã cấp phép 6 cơ sở kinh doanh rượu, 93 cơ sở kinh doanh gas, 139 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, xác nhận đăng ký tổ chức 22 hội chợ, tiếp nhận 5.286 thông báo khuyến mại...

 

Ngành Công Thương Thanh Hóa đã xác định cho mình trọng trách lớn về phát triển kinh tế cho địa phương, trong tổng GRDP toàn tỉnh, thì ngành Công Thương đã chiếm 38,62%, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương. Nhận thức rõ được điều đó, từ lãnh đạo ngành đến tập thể CBCNV – NLĐ đều ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hết mình, quyết tâm vượt khó, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, tháo gỡ mọi khó khăn, chung tay cùng doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH của địa phương lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

 

Xuân Trường 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang