Thứ Sáu, 29/03/2024 20:39:53 GMT+7

Tin đăng lúc 01-03-2020

Lượt xem: 7587

Ngành Công Thương: Tô đậm ảnh hưởng của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tới sản xuất, kinh doanh

Là ngành có vai trò quan trọng trong Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), suốt 11 năm qua, ngành Công Thương đã góp phần nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường bằng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các khung khổ pháp lý và các hoạt động của ngành.
Ngành Công Thương: Tô đậm ảnh hưởng của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tới sản xuất, kinh doanh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Nâng cao vị thế hàng Việt

 

Là một cuộc vận động dài hơi, bước sang năm thứ 11 triển khai, CVĐ đã thu nhiều kết quả đáng ghi nhận khi 90% hàng hoá tại các siêu thị được sản xuất trong nước, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt thay đổi rõ nét, hàng hoá Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

 

Có được kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của BCĐTƯ còn là sự nỗ lực của các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương là một trong những Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng với nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực.

 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐTƯ) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) năm 2020 tổ chức ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong nhiệm vụ của Bộ Công Thương có nhiều nội dung liên quan đến CVĐ và đã được các đơn vị thuộc Bộ triển khai nhanh chóng và tích cực, như: Công tác kết nối cung- cầu, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài…

 

Thực tế không chỉ trong năm 2019, suốt 11 năm qua, ngành Công Thương đã tô đậm ảnh hưởng của CVĐ tới nền sản xuất, kinh doanh và nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường thế giới. Có thể kể đến tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, như: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%)…; kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. CVĐ cũng đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ.

 

“Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn hiện tại do tác động từ tình hình dịch bệnh, hiệu quả của CVĐ ngày càng rõ nét. Đơn cử, Chương trình Doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau đã phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt nỗi lo thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Hay sự chung sức của các nhà phân phối trong nước giúp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân…” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

 

Nhấn mạnh những đóng góp của Bộ Công Thương trong hoạt động đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Minh Khôi- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay: Bộ Công Thương đã tận dụng rất tốt kênh hội chợ, triển lãm ở nước ngoài để quảng bá giới thiệu hàng Việt Nam. Hoạt động này đạt lợi ích kép khi không chỉ giúp hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài mà còn tiếp cận được cả lực lượng 4 triệu Việt kiều tại các quốc gia trên thế giới.

 

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp

 

Dù ghi nhận tác động tích cực của CVĐ tới sự phát triển của nền kinh tế nhưng ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng BCĐTƯ CVĐ vẫn rất lo lắng: Từ đầu năm tới nay dịch Covid- 19 đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước, trong khi đó công tác triển khai CVĐ vẫn mang tính riêng lẻ, trong từng Bộ, ngành do vậy chưa huy động tổng lực các nguồn lực cho hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Do vậy, ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, trong kế hoạch hoạt động của mình, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương triển khai tốt các hoạt động kết nối cung- cầu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, mở rộng thị trường trong nước cho hàng Việt. Phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể về thuế, phí, nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp và có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

 

Về chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai CVĐ năm 2020, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm: Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối giao thương, đẩy mạnh Chương trình Doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau…

 

 

Các đại biểu thảo luận kế hoạch triển khai CVĐ năm 2020 cho hiệu quả, thiết thực

 

Tuy nhiên để giải quyết đúng và trúng khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô xuống thấp hơn hoặc bằng so với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nhằm khuyến khích sản xuất trong nước; Bộ Ngoại giao giúp kết nối chặt chẽ hơn nữa với hiệp hội doanh nhân ở nước ngoài để đưa hàng Việt ra thị trường thế giới, quảng bá sản phẩm tiêu biểu trong nước tại các cuộc gặp gỡ ngoại giao nước ngoài…

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang