Thứ Năm, 28/03/2024 19:05:24 GMT+7

Tin đăng lúc 05-06-2018

Lượt xem: 2124

Ngành da giày: Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Hiện nay, da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực. Tuy nhiên, dù đạt được kim ngạch XK lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đúng nghĩa. Điều này khiến cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, XK mất nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ngành da giày: Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Nguyên, phụ liệu để sản xuất phần lớn phải nhập khẩu

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

 

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hàng năm, kim ngạch XK của ngành da giày chiếm gần 10% tổng kim ngạch XK của cả nước. Ngoài ra, da giày cũng đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Thế nhưng, ngành công nghiệp da giày Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên gia công, nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập khẩu (gần 60%), nhiều nhất là da thuộc.

 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nhóm nguyên, phụ liệu dệt may, da, giày của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018 là 1,74 tỷ USD. Riêng tháng 4/2018 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 497,05 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 3/2018.

 

Lãnh đạo một công ty da giày lớn cho biết, ở Việt Nam hiện cũng có một số DN đầu tư vào CNHT sản xuất nguyên, phụ liệu cho ngành da giày như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất… Tuy nhiên, số lượng và quy mô DN còn nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của DN. Vì vậy, DN da giày muốn có đủ nguyên liệu sản xuất, phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên, phụ liệu về sản xuất.

 

Đại diện Công ty giày Thượng Thăng khẳng định: Do CNHT ngành da giày không phát triển dẫn tới tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm rất thấp (30-40%). Thêm nữa, chất lượng của nhiều loại nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu XK.

 

Phát triển ngành CNHT da giày là tất yếu

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso - chia sẻ: Ngành da giày Việt Nam không làm được như một số quốc gia khác là phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển CNHT. Sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của DN đã làm cho CNHT da giày Việt Nam không thể cất cánh. Vì vậy, không còn cách nào khác, ngành da giày phải tập trung phát triển CNHT, cụ thể phải tập trung sản xuất nguyên, phụ liệu.

 

Cũng theo Lefaso, nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch XK đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Lefaso tăng cường tham gia hoạt động tham vấn cơ quan nhà nước trong việc ban hành chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh phát triển CNHT, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. 

 

 

DN có thể liên doanh, liên kết với nhau để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô hiện đại... Đây là vấn đề cốt lõi nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang