Thứ Sáu, 29/03/2024 19:18:00 GMT+7

Tin đăng lúc 16-03-2017

Lượt xem: 2793

Ngành da giày sẽ tiếp tục tăng trưởng dù không có TPP

Đó là khẳng định của đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2017 tổ chức ngày 15/3 tại TP.HCM.
Ngành da giày sẽ tiếp tục tăng trưởng dù không có TPP
Xuất khẩu da giày tiếp tục tăng trưởng dù không có TPP

Nhận định về sự phát triển của ngành da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, ngành da giày vẫn tiếp tục phát triển và có vị thế tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2016 đạt trên 13 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong hai tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK của ngành da giày cũng tăng gần 11% với 2,1 tỷ USD.

 

Theo ông Diệp Thành Kiệt, xét về dài hạn từ nay đến năm 2030, thậm chí đến năm 2035, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh cả về chi phí lao động, GDP trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu.  

 

Cụ thể từ sau năm 2014 đến nay, GDP bình quân của Trung Quốc đã lên đến 8.000 USD/người/năm với mức lương bình quân của người lao động trên 400 USD/tháng. Điều này đã khiến cho sản xuất giày dép từ Trung Quốc giảm xuống, kéo theo xuất khẩu giảm.

 

Trong khi đó giai đoạn từ 2010 - 2016, GDP bình quân của Việt Nam mới chỉ đạt 2.200 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân của Trung Quốc là 8.200 USD/người/năm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6,2% và lương thực tế của người lao động sẽ tăng trung bình khoảng 4%/năm thì đến năm 2030 GDP bình quân của Việt Nam cũng chỉ đạt hơn 5.000 USD/người/năm. Qua đây có thể thấy từ nay đến 2030 Việt Nam vẫn đủ điều kiện để phát triển do tiếp tục cạnh tranh về GDP theo đầu người và lương cho người lao động.

 

Xét về thị trường xuất khẩu, hiện Việt Nam vẫn đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ với mức tăng trưởng kim ngạch XK 14,2% trong năm 2016 trong khi kim ngạch sang thị trường Trung Quốc giảm.

 

Từ các yếu tố trên, theo ông Diệp Thành Kiệt, dù không có TPP, ngành da giày Việt Nam cũng sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, tuy nhiên sẽ không có được sự tăng trưởng đột biến. Với TPP, ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận thị trường Mỹ với sản lượng XK da giày vào thị trường này có thể chiếm đến 50% tổng sản lượng XK của ngành.

 

“Nhưng nếu không có TPP, ngành da giày với các lợi thế cạnh tranh của mình vẫn duy trì vị trí thứ 2 về XK giày trên thế giới và Mỹ vẫn chiếm trên 30% tổng sản lượng XK của ngành”, ông Kiệt nhấn mạnh.

 

Nhận định về tiềm năng tăng trưởng của ngành da giày Việt Nam, đại diện một hãng tàu nước ngoài cho biết, dù không có TPP thì các khách hàng nước ngoài vẫn tin tưởng vào Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy. Theo đại diện hãng tàu này, nhu cầu mua hàng từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm giày dép đang tăng khá cao cho thấy niềm tin vào ngành rất tốt. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ là lựa chọn thứ 2 và thay thế cho Trung Quốc.

 

Cùng quan điểm như trên, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ cho biết, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ nhưng năm 2016, các nhà nhập khẩu của Mỹ vẫn mua 1,2 tỷ USD giày dép từ Việt Nam, điều này cho thấy tăng trưởng XK của ngành da giày vào thị trường Mỹ vẫn mạnh và chắc chắn. Cùng với những cải cách về kinh tế, dự báo ngành da giày sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang