Thứ Năm, 28/03/2024 18:54:16 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2016

Lượt xem: 3168

Ngành dệt may ASEAN hướng tới phát triển bền vững

Nhằm tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung và khối các nước dệt may ASEAN nói riêng, ngày 01/11/2016, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức hội thảo quốc tế “tăng cường năng lực chuỗi cung ứng trong khối dệt may ASEAN nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”.
Ngành dệt may ASEAN hướng tới phát triển bền vững

Tham dự buổi hội thảo có ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas; đại diện các nước thuộc Liên đoàn Dệt May các nước Đông Nam Á (AFTEX) và lãnh đạo các doanh nghiệp của Ngành Dệt May Việt Nam.

 

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang cho biết, AFTEX được thành lập từ năm 1977 và Vitas chính thức gia nhập AFTEX năm 2001. Trong quá trình hoạt động, AFTEX đã có những đóng góp quan trọng vào sự hợp tác, phát triển giữa các nước ASEAN. Trong đó, AFTEX đã góp phần vào việc hình thành khu vực thương mại tự do giữa các quốc gia Đông Nam Á và xây dựng Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC). Đặc biệt, AFTEX đã đề xướng hai Chương trình lớn là Liên minh chuỗi cung ứng Dệt May Đông Nam Á (SAFSA) và Chuẩn tay nghề Dệt May ASEAN (ACCP) mang lại nhiều lợi ích thiết thực tại các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động của AFTEX vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đa số các nước trong AFTEX đều là những nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar, song sự liên kết, hợp tác để tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may còn yếu. Kim ngạch XNK giữa Việt Nam và các nước ASEAN đã tăng từ 15 tỷ USD năm 2005 lên 42 tỷ USD, song kim ngạch XNK hàng dệt may của Việt Nam với nước ASEAN tăng rất khiêm tốn, từ 451 triệu USD năm 2005 lên 1,73 tỷ USD năm 2015 (trong đó Việt Nam xuất khẩu 965 triệu USD và nhập khẩu 767 triệu USD).

 

 

Hiện tại, dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do đã giúp tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường kinh doanh và sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và cơ chế một cửa ASEAN được áp dụng từ năm 2017 sẽ tạo ra những cơ hội và cả những thách thức mới. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ gây ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt đối với các ngành sản xuất dệt may, da giày tại các nước Đông Nam Á. Vì vậy, trong thời gian tới, các hoạt động của AFTEX cần phải có hướng đi thích hợp hơn để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của AFTEX, tạo điều kiện để mỗi thành viên tham gia tốt hơn vào việc phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may khu vực ASEAN và toàn cầu.

 

Ông Phan Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, các doanh nghiệp Ngành Dệt May Việt Nam có sự phát triển thuận lợi, sản xuất ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân là 17% năm và chiếm 7,7% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Trong 10 năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới, trong đó dệt may là ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 16 - 17%  trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới. Thị trường chính của Ngành Dệt May Việt Nam là các nước phát triển với sức mua lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng ASEAN cũng là một trong những thị trường được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất quan tâm. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, các doanh nghiệp dệt may sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất để dịch chuyển phương thức sản xuất từ gia công (CMT) sang các hình thức khác như OEM, FOB, ODM và tiến tới OBM. Đầu tư phát triển các mặt hàng dệt kim, dệt thoi và tập trung vào khâu dệt nhuộm, hoàn tất. Các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm cần lựa chọn công nghệ phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng dệt may để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu đến năm 2020 đạt 65%.

 

 

Ông Dũng cho biết thêm, để thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển Ngành Dệt May Việt Nam đã được công bố, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng phát triển, hình thành chuỗi cung ứng. Các dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tín dụng, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, các dự án thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc được đầu tư tại địa bàn khó khăn được hưởng thêm các hỗ trợ được quy định cụ thể trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành nhiều hoạt động tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước trong đó có các nước trong khối ASEAN để kết hợp và thúc đẩy sự phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may như: Đàm phán, ký kết các hiệp định FTA với các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP); Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thị trường. Việc thực hiện những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển ngành dệt may nói chung và việc hình thành chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào dệt may, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất vải, tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước bạn nhằm phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng dệt may trong khu vực cũng như trên thị trường quốc tế.

 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận về Cập nhật Khu vực Kinh tế AEC - TPP đối với ngành Dệt May Việt Nam - ASEAN; Đánh giá tác động của RCEP đối với ngành dệt may ASEAN; Quy trình outsourcing toàn cầu - đánh giá tác động của FTA; Vai trò của hợp tác quốc tế trong việc tạo thuận lợi hóa thương mại cho sự phát triển dài hạn của dệt may ASEAN; Chiến lược sản xuất sản phẩm dệt may an toàn thân thiện với môi trường và bền vững; Cải thiện mối quan hệ lao động trong ngành may ở khu vực Đông Nam Á; Ứng dụng thương mại điện tử - vai trò trong quản lý chuỗi giá trị.

 

Nguồn Vinatex


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang