Thứ Sáu, 29/03/2024 17:08:30 GMT+7

Tin đăng lúc 05-04-2019

Lượt xem: 2775

Ngành Dệt may Việt Nam cần làm gì khi CPTPP có hiệu lực?

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019, trong đó dệt may được đánh giá là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. CPTPP sẽlà cơ hội để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới và được xem như “cú hích” mang đến động lực cho sự phát triển của dệt may Việt Nam.
Ngành Dệt may Việt Nam cần làm gì khi CPTPP có hiệu lực?
Dệt may là một trong số ngành chịu tác động lớn từ CPTPP

Mặc dù không có Mỹ tham gia nhưng CPTPP vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu với gần 500 triệu dân. CPTPP tạo thêm động lực thúc đẩy, mở cửa thị trường phát triển đầu tư cho Việt Nam cùng nhiều nước trong khu vực và thế giới. Hiệp định có hiệu lực thì gần 100% dòng thuế hàng hóa sẽ được cắt giảm, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực và hơn 86% mặt hàng thuế sẽ về 0% sau 3 năm. Nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan do CPTPP mang lại, nhất là dệt may và da giày.

 

Đối với ngành Dệt may (DM), một trong những cơ hội từ hiệp định CPTPP là mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển nâng cao kim ngạch xuất khẩu (XK). Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ nhưng lợi thế dành cho Việt Nam đến từ hiệp định với 2 thị trường XK DM tiềm năng là Canada và Australia. Cũng theo ông Trường, nếu thuận lợi và tận dụng tốt các hiệp định như CPTPP và có EUFTA trong 6 tháng cuối năm thì đặt mục tiêu cao đối với DMVN trong năm 2019 là 40 tỷ USD kim ngạch XK.

 

Năm 2018, kim ngạch XK dệt may đạt hơn 36 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16%, lần đầu tiên Việt Nam (VN) vươn lên vị trí thứ 2 về kim ngạch XK toàn thế giới. Đối với kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may năm 2018, đạt gần 22 tỷ USD tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị thặng dư thương mại đạt gần 18 tỷ USD. Các hiệp định TMTD như CPTPP và EVFTA đã tác động đến kim ngạch XK của ngành DM và sẽ còn tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực trong những năm tiếp theo. Theo các chuyên gia, CPTPP kỳ vọng là cơ hội “vàng” cho ngành DMVN với con số ước tính về kim ngạch XK DM đến năm 2025 lên đến 50 tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2015 với 27 tỷ USD.

 

Tại VN, nhiều DN dệt may “hào hứng” đón nhận CPTPP, đơn cử như tại Tổng công ty May 10. Ông Thân Đức Việt – Phó TGĐ May 10 cho biết: “CPTPP là cú hích cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ cùng các DN DMVN liên doanh liên kết hoặc các DNVN và các DN nước ngoài trực tiếp đầu tư vào VN cho ngành nhuộm và dệt để có thể đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của hiệp định này. Không phải là khi hiệp định được kí kết thì các nhà đầu tư mới đầu tư vào, mà hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài, cũng như các ngành dệt trong nước đã đầu tư rồi. Hiện nay, việc đầu tiên May 10 đang triển khai đó là thành lập chuỗi liên kết cung ứng trong nước từ sợi, dệt, nhuộm cho đến may”.

 

Không thể phủ nhận ý nghĩa quan trọng của Hiệp định CPTPP, thế nhưng “yếu điểm” về nguồn nguyên liệu có thể “kìm chân” DN. Tham gia CPTPP, cácDN dệt may Việt phải có nguyên liệu xuất xứ nội khối mới được phép hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, nguồn cung vải từ khối doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế và không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để đầu tư một nhà máy dệt vải.Các chuyên gia kinh tế cho biết, đối với CPTPP thì làm thế nào để có thể tận dụng được cơ hội về thuế quan mới là vấn đề, bởi trên thực tế, quá trình thực thi cam kết từ các hiệp định TMTD mà VN đã kí kết nhiều năm qua, VN mới chỉ tận dụng được khoảng 30% ưu đãi về thuế, trong khi CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.

 

Bên cạnh đó, CPTPP có yêu cầu khắt khe là quy tắc xuất xứ, đây là thách thức không nhỏ đối với DNVN nói chung và ngành DM nói riêng, bởi thực tế hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ DM của nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN. Tuy nhiên, các quy tắc trong CPTPP cũng cho phép cách áp dụng rất linh hoạt, đó là quy định tỷ lệ linh hoạt cho phép nguyên liệu không có xuất xứ, không đáp ứng quy tắc, chuyển đổi mã số hàng hóa ở mức tối đa 10% so với giá trị của hàng hóa. Riêng đối với hàng DM, tỷ lệ linh hoạt này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa, hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hay vải, quyết định phân loại mã số hàng hóa. Vấn đề đặt ra là DN phải có sự am hiểu sâu, kĩ hơn rất nhiều mới có thể tận dụng được các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế quan cũng như quy tắc xuất xứ trong CPTPP.

 

Dẫn lời ông Lê Tiến Trường: “Thị trường sản xuất DM là thị trường hết sức năng động, một phút lơ là, một giai đoạn không tập trung để bắt nhịp với thị trường hoàn toàn có thể làm cho một DN và một ngành bị suy thoái”. Nói như vậy để thấy, nếu muốn CPTPP tạo nên “màu hồng” đối với DMVN thì các DN cần có chiến lược cụ thể và sự thay đổi đồng bộ từ nhiều phía. CPTPP sẽ có tác động vô cùng lớn vào hạ tầng và phần cung thiếu hụt của ngành cũng như tạo ra những lợi ích về mặt hàng vải và nguyên phụ liệu trong nước.Do đó, việc đầu tiên doanh nghiệp cần tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistic của các nước… Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao chất lượng sản xuất, liên kết với nhau để tận dụng lợi ích mà CPTPP đem lại. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cũng như có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN dệt may trong việc xây dựng nhà xưởng, thuê mặt bằng… Có như vậy thì các DN DMVN mới tận dụng được “trọn vẹn” những lợi ích mà CPTPP mang lại.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang