Thứ Bẩy, 20/04/2024 04:50:45 GMT+7

Tin đăng lúc 11-11-2017

Lượt xem: 1581

Ngành Điều Việt Nam và bài toán về nguồn nguyên liệu

Sau gần ba thập kỷ phát triển, Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu điều vững chắc trên thị trường quốc tế và trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số một thế giới. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu và vùng nguyên liệu trong nước không tăng đang là một thách thức của toàn ngành mà mỗi doanh nghiệp Việt (DN) đều phải chủ động tìm ra lời giải.
Ngành Điều Việt Nam và bài toán về nguồn nguyên liệu
11 năm qua, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu điều nhân số một thế giới.

Ấn tượng từ những con số

         

Sau 29 năm tham gia xuất khẩu (1988 – 2017), ngành Điều Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đặc biệt, từ năm 2006 tới nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2016, các DN ngành Điều trong nước chế biến và xuất khẩu hơn 347.000 tấn điều các loại, với kim ngạch trên 3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu điều nhân đạt 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về sản lượng và 18,4% về giá trị so với năm 2015. Hiện sản phẩm Điều của Việt Nam đã xuất khẩu tới 90 quốc gia với các bạn hàng lớn như Mỹ 35%, EU 25%, Trung Quốc 18% thị phần.

         

Năm 2016 cũng là năm thứ 11 liên tiếp ngành Điều Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân và duy trì thị phần trên 50%  trong tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD). Năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 360.000 tấn nhân điều các loại với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2017, khối lượng hạt điều xuất khẩu ước đạt 223.000 tấn và đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm thứ 12 liên tục Việt Nam giữ ngôi vị số 1 trong xuất khẩu điều.

         

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, công nghệ chế biến điều của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới với việc hầu hết các nhà máy đã đạt tỷ lệ tự động hóa lên đến 90%. Đồng thời, thương hiệu điều Việt Nam cũng vượt xa các nước xuất khẩu điều khác với chất lượng sản phẩm rất tốt. Vì vậy, các DN trong nước cần phải tận dụng nhập khẩu nguồn nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu.

         

Đồng quan điểm với ông Đỗ Hà Nam, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, hiện nay, hầu hết các thị trường nhập khẩu điều của Việt Nam đều đạt tăng trưởng dương, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan với mức tăng trưởng lần lượt là 17,6%, 20,4% và 24,1%. Còn lại, tại các thị trường xuất khẩu điều khác có mức tăng trưởng trung bình từ 7,5 – 8,5%. Do vậy, để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, Việt Nam buộc phải tăng cường nhập khẩu hạt điều thô từ Campuchia và châu Phi. Đồng thời, để ngành Điều trong nước phát triển bền vững thì cần phải tập trung khôi phục lại và tăng diện tích trồng điều trong nước. Bởi, việc lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ dẫn tới tình trạng Việt Nam không thể chủ động được nguồn hàng xuất khẩu và lâu dài. Điều này sẽ trở thành nỗi lo của doanh nghiệp ngành Điều.

         

Đến bài toán về nguồn nguyên liệu

         

Nếu như cách đây 10 năm, các DN chế biến và xuất khẩu điều trong nước chỉ nhập khẩu điều thô khoảng 20 – 30%, còn lại 70 – 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, thì đến nay, tình thế này đã hoàn toàn đảo ngược. Nhập khẩu điều thô chiếm tới 65 – 70% nhu cầu chế biến của các nhà máy. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam là nước chế biến hơn 50% sản lượng điều toàn cầu và đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều nhưng nhiều năm qua, nguyên liệu đầu vào vẫn là bài toán khó mà ngành Điều Việt Nam đang phải đối mặt. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu khiến cho các DN xuất khẩu điều trong nước gặp phải nhiều khó khăn khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu dài hạn với các bạn hàng quốc tế.

         

Năm 2017, để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, dự kiến lượng điều thô mà Việt Nam nhập khẩu sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Nhập khẩu nhiều đi đôi với chi phí vận chuyển tăng, lợi nhuận sẽ giảm. Chưa kể đến hạn chế của việc nhập khẩu điều thô là chất lượng hạt điều khó kiểm soát, gây khó khăn cho việc xuất khẩu điều nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà tất cả các DN chế biến và xuất khẩu điều trong nước lo lắng là ngành Điều Việt Nam sẽ ra sao khi nguồn cung nguyên liệu từ các nước châu Phi không còn nữa.

         

Theo công bố của Chính phủ Bờ Biển Ngà, từ năm 2020 Bờ Biển Ngà sẽ ngừng xuất khẩu điều thô, để dành nguồn nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến trong nước. Đây cũng là chủ trương của các nước Tây Phi khác. Do vậy, ngành Điều Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu cả triệu tấn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu trong thời gian tới.

         

 Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải bài toán nguyên liệu điều, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp thì cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 300.000ha điều, tập trung chủ yếu tại Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vấn đề đặt ra là ngành Nông nghiệp cần quan tâm hơn nữa để diện tích cây điều phát triển ổn định. Bởi so với các nông sản khác thì giá hạt điều luôn giữ ở mức cao, ổn định.

         

Trước đây, giá thu mua khoảng từ 10 – 12 ngàn đồng/kg hạt điều thô, nhưng nay đã lên 35 – 40 ngàn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với trước. Ngành Điều cần phát triển ở mức trên 1 triệu tấn nguyên liệu/năm, như vậy mới đảm bảo sản xuất lâu dài và bền vững. Trước đây, ở thời điểm đỉnh cao, sản xuất điều trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 700.000 tấn sản phẩm/năm nhưng nay chỉ còn khoảng 300.000 ngàn tấn/năm. Do vậy, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu phát triển các giống điều năng suất cao và xây dựng vùng chuyên canh. Bởi nếu Việt Nam cứ tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu chế biến như hiện nay thì lợi nhuận của DN thu được từ xuất khẩu điều không cao, do Việt Nam đang chế biến gia công.

         

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng: “Chính sách của Nhà nước nên tập trung xây dựng các vùng chuyên canh phù hợp với cây điều để có sản phẩm ổn định và duy trì. Nếu cứ để người dân trồng tự phát theo kiểu: nay trồng, mai xuống giá, chặt bỏ, thì cuối cùng người chịu thiệt đầu tiên vẫn là nông dân. Sản phẩm hàng hóa sẽ không mang tính ổn định”.

         

Tin tưởng rằng, với những nỗ lực của các DN chế biến, xuất khẩu điều và những cơ chế chính sách của Nhà nước trong thời gian tới sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN. Thông qua đó, hạt điều Việt Nam sẽ tiếp tục làm chủ “cuộc chơi” toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện về vùng nguyên liệu sẽ còn tiếp tục đặt lên vai các DN Điều Việt Nam. Về lâu dài, chỉ khi giải quyết được bài toán nguyên liệu thì ngành Điều Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong môi trường toàn cầu hóa.

                                                                               

       Anh Tuấn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang