Thứ Sáu, 19/04/2024 18:50:40 GMT+7

Tin đăng lúc 27-10-2016

Lượt xem: 7749

Ngành Giáo dục Đào tạo Thành phố Quy Nhơn: Tích cực cải cách giáo dục góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Năm 2010, thành phố Quy Nhơn được Nhà nước nâng cấp lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bình Định, xứng tầm với địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế với nhiều dự án lớn về sản xuất và du lịch được đầu tư, sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng phấn đấu vươn lên cả về lượng và chất, tạo tiền đề cho bước phát triển của thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2020-2035.
Ngành Giáo dục Đào tạo Thành phố Quy Nhơn: Tích cực cải cách giáo dục góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Ông Nguyễn Phương Nam - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Quy Nhơn, Bình Định

Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Nam - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Quy Nhơn về vai trò quản lý của ngành GD-ĐT thành phố trong tiến trình này.

 

PV: Xin ông cho biết quy mô quản lý và những thành tích tiêu biểu, nổi bật của ngành giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) thành phố Quy Nhơn những năm qua?

 

Ông Nguyễn Phương Nam: Năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT Quy Nhơn tiếp tục triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngành GD-ĐT TP Quy Nhơn được sự quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh và Thành phố, phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, hội, đoàn thể và các xã, phường, cộng với nỗ lực phấn đấu của toàn thể CBCNV, giáo viên, giữ vững và phát huy tốt thành tích giáo dục cả về chất lượng và quy mô. Toàn ngành có 128 cơ sở giáo dục gồm 99 trường và 29 cơ sở giáo dục với 52.459 học sinh, 1.459 nhóm, lớp, gồm tất cả các độ tuổi từ mẫu giáo, mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức dạy môn Ngoại ngữ và Tin học.

 

Các cơ sở giáo dục đã tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ đổi mới hoạt động giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Điểm nổi bật trong hoạt động phong trào của học sinh là học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh tăng với số lượng cao; có 01 học sinh cấp trung học cơ sở (trong toàn tỉnh) có sản phẩm đạt giải nhì quốc gia trong cuộc thi KHKT; có 03/07 sản phẩm của học sinh dự thi kiến thức liên môn cấp quốc gia; kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố Quy Nhơn có 03 học sinh đạt giải nhất trên tổng số 06 giải nhất của toàn tỉnh; cử 04 học sinh dự thi Tài năng tiếng Anh cấp quốc gia đều đạt giải cao.

 

Ông Nguyễn Phương Nam – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố trao giải Hội thi Công Đoàn viên khéo tay nhân kỷ niệm 106 năm ngày Quốc tế Phụ nữ

 

Với những kết quả đạt được trong năm học vừa qua, toàn ngành có 04 tập thể được Sở GD-ĐT đề nghị tặng Cờ dẫn đầu các phong trào thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể: Phòng GD-ĐT; Trường Mầm non Hoa Mai; Trường Tiểu học Lê Lợi và Trường THCS Lê Hồng Phong; tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể: Trường Mầm non Hoa Mai; Trường Tiểu học Lê Lợi và trường THCS Lê Hồng Phong.

 

PV: Để thực hiện tiến trình cải cách giáo dục, Ngành GD-ĐT của thành phố Quy Nhơn sẽ phải làm gì để khắc phục những bất cập, hạn chế, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Phương Nam: Về công tác quy hoạch trường lớp phải phù hợp tình hình của địa phương,  trong đó 21 xã phường phấn đấu đều có trường mầm non, tiểu học và THCS; cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư, tăng cường đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

 

Trên cơ sở quán triệt và hướng dẫn của các cấp, Phòng GD-ĐT tiếp tục thực hiện cải cách hành chính,  triển khai “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các cơ sở giáo dục về công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ tại các trường mầm non. Đối với bậc phổ thông, tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; Điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; Hướng dẫn các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh.

 

PV: Những giải pháp chủ yếu trong năm học 2016-2017 của ngành GD-ĐT thành phố Quy Nhơn, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học?

 

Ông Nguyễn Phương Nam: Trên cơ sở xác định nhiệm vụ cơ bản của năm học 2016-2017 là tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, ngành GD-ĐT Tp. Quy Nhơn xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đang triển khai thực hiện các giải pháp sau:

 

 Thực hiện “3 công khai”, cải cách hành chính; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục.

 

Học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn

 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 của UBND tỉnh Bình Định ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, thông qua việc phối hợp cùng các địa phương kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm theo quy định đối với những viên chức tổ chức dạy thêm trái quy định. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, vận dụng dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của dự án SAEPS vào chương trình hiện hành cấp tiểu học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, tiếp tục triển khai thực hiện sinh hoạt chuyên môn trên hệ thống “Trường học kết nối” một cách có hiệu quả. Tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên toàn ngành theo Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ GD-ĐT. Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, tài sản cho các đơn vị, nhằm tạo điều kiện chủ động điều hành hoạt động của nhà trường.

 

Năm học 2016-2017, toàn ngành GD-ĐT thành phố Quy Nhơn tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy thành quả đã đạt được, quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa sự nghiệp GD-ĐT của địa phương phát triển vững chắc, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

 

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

                                                                                 

        Văn Thuận (Thực hiện)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang