Thứ Sáu, 19/04/2024 16:00:27 GMT+7

Tin đăng lúc 17-07-2017

Lượt xem: 1635

Ngành may mặc Việt bỏ mặc cơ may cho nước ngoài!

Cuộc “đổ bộ” của hàng loạt hãng thời trang nước ngoài ở khắp các phân khúc từ bình dân đến trung và cao cấp đang gây áp lực “kép” lên các doanh nghiệp (DN) thời trang trong nước.
Ngành may mặc Việt bỏ mặc cơ may cho nước ngoài!
Các hãng thời trang bán lẻ Việt Nam đang gặp sức ép rất lớn từ khối ngoại

Với dân số trên 90 triệu người, thị trường thời trang Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm. Các DN thời trang ngoại đang coi Việt Nam như “mỏ vàng”, trong khi các DN nội tỏ ra thờ ơ, chưa chú trọng củng cố thị trường nội địa.

 

Doanh nghiệp nội “bỏ quên” sân nhà

 

Theo tính toán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam đang ở mức 4,5 tỷ USD/năm nhưng đây chưa phải là con số thuyết phục để các DN trong nước chú trọng củng cố thị trường nội địa.
 
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex, phân tích: “Với quy mô 4,5 tỷ USD, thị trường nội địa chưa thực sự là “bệ đỡ” của các DN nội vì năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam đã vượt ngưỡng 35 tỷ USD/năm. Thị trường nội địa quá nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu, khiến các DN nội chưa dám giảm xuất khẩu để hướng về trong nước”.
 
Báo cáo của công ty Nghiên cứu thị trường VIRAC cho thấy nguyên nhân khiến quy mô tiêu thụ nội địa của hàng dệt may Việt Nam khá hạn chế so với các ngành hàng khác là do chi tiêu bình quân đầu người của người Việt cho hàng may mặc còn thấp. Năm 2015, mức tiêu thụ dệt may bình quân tại Việt Nam đạt 42,9 USD/người, thấp hơn nhiều so với mức 153 USD/người trên toàn cầu.
 
Các DN may mặc Việt Nam cũng đang đứng trước thế “gọng kìm” tại thị trường trong nước. Trước là sức ép cạnh tranh của hàng giả, hàng nhái, hàng lậu (nhập khẩu tiểu ngạch). Sau là do năng lực nội tại của DN còn khá yếu (trong khâu phân phối, thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu…).

 

Trong báo cáo mới nhất, VIRAC đã chỉ ra những tên tuổi của dệt may Việt Nam phát triển hệ thống bán hàng được người tiêu dùng quan tâm, song rất hạn chế về số lượng, như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, hay một số thương hiệu phục vụ giới trẻ như PT 2000, Ninomaxx…
 
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Tp.HCM, nhận định: “Luôn có những thuận lợi và khó khăn song hành với DN dệt may trong nước. Song dù lớn hay nhỏ, gần như 100% các DN dệt may trong nước chưa thoát khỏi phận gia công”.
 
Thống kê của Vinatex chỉ ra rằng tại khu vực nông thôn, hàng dệt may trong nước đang chịu sức ép lớn của hàng nhập khẩu tiểu ngạch; tại khu vực đô thị, các DN nội đang phải cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần với hàng hóa nhập khẩu từ Anh, Mỹ và các nước ASEAN.
 
“Mỏ vàng” của khối ngoại

 

Trong khi các DN nội còn “bỏ ngỏ” thị trường nội địa, các DN thời trang ngoại lại đang coi thị trường may mặc Việt Nam như “miền đất hứa” cần đẩy mạnh khai phá.
 
Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu biểu ở phân khúc tầm trung như: Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G…
 
Zara – một trong những “ông lớn” thời trang thế giới, đến từ Tây Ban Nha, chính thức “đổ bộ” vào Việt Nam vào đầu tháng 9/2016. Đến tháng 7/2017, sau 10 tháng có mặt tại Tp.HCM, Zara vẫn đang tạo ra cơn sốt.
 
Còn nhớ, trong ngày khai trương, Zara đạt doanh thu xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, phá kỷ lục về doanh thu ngày đầu tại hơn 2.000 cửa hàng ở 88 quốc gia. Zara đang dự kiến “tiến quân” ra Bắc với cửa hàng tại Vincom Bà Triệu vào tháng 10/2017.
 
Cùng với đó, nhiều thương hiệu thời trang khác cũng liên tục hiện diện tại thị trường Việt Nam thời gian qua nhờ các nhà phân phối nội địa có tên tuổi. Cụ thể như công ty Cổ phần Maison đang liên tiếp đưa các nhãn hàng thời trang quốc tế phân khúc trung và cao cấp vào thị trường Việt Nam.
 
Đến nay, Maison đã phân phối được 21 nhãn hàng, trong đó có Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara, NYS… cũng như sở hữu 44 cửa hàng tại Việt Nam.
 
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng đang thắng lớn khi phân phối hàng ngoại tại Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ ở phân khúc thời trang trung cấp, IPP còn khẳng định vị trí bán lẻ hàng đầu với các sản phẩm thời trang cao cấp.
 
Ngoài ra, hàng loạt thương hiệu mới cũng đang rầm rộ chuẩn bị tiến vào Việt Nam. Quý I/2017, Sơn Kim Fashion đã ký kết hợp tác chuẩn bị đưa nhãn hàng Dickies (Mỹ) vào Việt Nam và trở thành nhà phân phối độc quyền. Dự kiến, cửa hàng đầu tiên của Dickies sẽ hình thành trong năm nay, 5 năm tiếp theo sẽ mở 30 cửa hàng trên toàn quốc.
 
Bà Nguyễn Hồng Trang – CEO của Sơn Kim Fashion, cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, Sơn Kim Fashion đã tính toán kỹ lưỡng khi quyết định phân phối độc quyền Dickies, đem lại mức giá hợp lý cho khách hàng, nhất là giới trẻ”.
 
Bên cạnh đó, thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản với hơn 2.000 cửa hàng trên thế giới cũng đang “đánh tiếng” chuẩn bị ra mắt hai cửa hàng ở Việt Nam trong năm nay. Forever 21 cũng dự kiến có mặt ở Việt Nam vào năm sau.
 
Những thành công kể trên của khối ngoại đang chứng minh rằng thị trường thời trang nội địa của Việt Nam rất giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Vì vậy, dù đang phải chịu thua thiệt về nội lực và tài chính khiến cho việc giữ được chỗ đứng và phát triển tại thị trường nội địa không hề dễ dàng song các DN nội vẫn cần nhanh chóng có chiến lược để giành lại lợi thế “sân nhà”.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang