Thứ Sáu, 29/03/2024 15:30:23 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2017

Lượt xem: 3657

Ngành mía đường: Giải pháp tiêu thụ bền vững

Từ chỗ chủ yếu phải nhập khẩu đường, đến nay, năng lực sản xuất của ngành mía đường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn đang thiếu giải pháp tiêu thụ bền vững khi đầu ra cho sản phẩm luôn ở thế bí do giá thành cao, tồn kho lớn.
Ngành mía đường: Giải pháp tiêu thụ bền vững
Sản lượng đường liên tục bị sụt giảm trong 3 năm gần đây

"Điệp khúc" tồn kho

 

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, niên vụ mía đường 2016-2017, các nhà máy đường trên cả nước đã sản xuất được khoảng 1.227.000 tấn đường, giảm không nhiều so với niên vụ 2015 -2016. Tuy nhiên, đây là niên vụ thứ ba liên tiếp sản lượng đường bị sụt giảm.

 

Việc tiêu thụ đường của các nhà máy cũng chưa phải đã suôn sẻ. Cụ thể: Niên vụ 2014 - 2015, lượng đường tồn kho khoảng 300.000 tấn, niên vụ 2015-2016, tồn khoảng 416.000 tấn; niên vụ 2016 - 2017, tồn khoảng 681.000 tấn; đến ngày 1/9/2017 lượng đường tồn kho tại các nhà máy vẫn còn trên 420.000 tấn, tồn kho tại các công ty thương mại trên 53.000 tấn. 

 

Theo VSSA, đường tồn khó do 3 nguyên nhân: Thứ nhất, giá đường từ đầu vụ 2016 - 2017 đến nay vẫn luôn giữ ở mức khá cao, đường RE từ 15.800 - 17.800 đồng/kg. Đến giữa tháng 9, giá bán buôn đường tuy đã giảm từ 300 - 700 đồng/kg so với tháng 7, song vẫn cao hơn trên 7.000 đồng/kg so với giá đường thương mại thế giới. Thứ hai, hệ thống phân phối của các nhà máy đường chưa tạo được nguồn khách hàng lớn gắn bó ổn định giữa các công ty đường, nhà thương mại, nhà sản xuất sử dụng đường đầu vào chưa gắn kết và phối hợp chặt chẽ xây dựng hệ thống phân phối, kho hàng và ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Thứ ba, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được và không loại trừ còn có hiện tượng một số nhà máy, công ty thương mại đường liên kết găm hàng để làm giá. 

 

Các giải pháp

 

Theo VSSA, để giải quyết tình trạng tồn kho, các công ty đường cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng để hạ giá thành sản phẩm. Từng nhà máy phải rà soát, củng cố mạng lưới tiêu thụ, chú trọng khách hàng lớn, nhất là khách hàng sử dụng đường đầu vào sản xuất và các cơ sở thương mại dịch vụ, kinh doanh, bán buôn bán lẻ. Về phía các khách hàng sử dụng đường làm đầu vào sản xuất, VSSA đề nghị, hàng năm vào đầu vụ sản xuất cần thông báo nhu cầu về số lượng, chất lượng đường gửi tới các công ty mía đường hoặc VSSA để kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng mua bán, thống nhất về số lượng, thời gian, giá cả. 

 

VSSA cũng kiến nghị: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại đường quyết liệt hơn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Bộ Tài chính xem xét áp thuế NK đường trong hạn ngạch 5% không chỉ xuất xứ từ ASEAN, mà cả các nguồn gốc xuất xứ khác từ Brazil, Úc, Ấn Độ… để tăng tính cạnh tranh, tránh tạo độc quyền nguồn cung NK từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải mua đường giá cao. 

 

Đối với đường tạm nhập tái xuất, VSSA cho rằng, cần kiểm soát chặt việc tuân thủ Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công, quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, tránh việc lợi dụng đưa đường tạm nhập quay trở lại tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. 

 

VSSA kiến nghị các cơ quan chức năng, địa phương, rà soát điều kiện kinh doanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có chức năng sản xuất, chế biến đường nhưng không có nhà máy về điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm ngăn chặn việc lợi dụng, hợp thức hóa tiêu thụ đường lậu ở thị trường trong nước.

 

Nguồn Báo Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang