Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:16:45 GMT+7

Tin đăng lúc 19-12-2021

Lượt xem: 1233

Ngành Than Việt Nam hướng tới sản xuất “xanh” và bền vững

Là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đổi mới công nghệ khai thác theo hướng sản xuất “xanh” và phát triển bền vững.
Ngành Than Việt Nam hướng tới sản xuất “xanh” và bền vững
Hệ thống máy phun sương dập bụi cao áp được TKV ứng dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngành công nghiệp khai thác than đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mỗi năm, TKV khai thác từ 40 – 42 triệu tấn than nguyên khai và thải ra môi trường trên 100 triệu m3 nước thải mỏ. Tại các mỏ lộ thiên, bụi than dễ phát sinh trên nhiều tuyến đường vận chuyển và các khu dân cư lân cận. Để khai thác than lộ thiên, hàng năm, ngành Than cũng phải thải ra môi trường khoảng từ 300 – 500 triệu m3 đất đá. Nguy cơ ô nhiễm môi trường là hiện hữu, do vậy, đòi hỏi cấp thiết là phải khắc phục khẩn trương tình trạng này, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững như: Du lịch, dịch vụ và kinh tế khai khoáng…

 

Trước thực trạng trên, thời gian qua, TKV đã nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới nền kinh tế “xanh”, phát triển bền vững và đảm bảo duy trì một môi trường trong lành. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, TKV đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh công tác đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao cấp thay thế dần phương pháp tưới nước bằng xe chuyên dụng truyền thống tại các vị trí trọng yếu. Giải pháp này đã, đang và sẽ tăng cường hiệu quả chống bụi đến các khu dân cư, khu đô thị gần các điểm khai thác than.

 

Đối với vấn đề xử lý đất đá thải mỏ lộ thiên, TKV cũng khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh khai thác lại đất đá thải tại bãi mỏ lộ thiên phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trọng điểm theo hướng kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2021 này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây thuộc mỏ Than Núi Béo với trữ lượng khoảng 700.000 m3 để phục vụ cho Dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh).

 

Ngoài ra, trong điều kiện sản xuất các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu và khó khăn, TKV đã tập trung đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa” vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm – TKV năm 2015, đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị. Đồng thời, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như trong công tác quản lý, điều hành. Toàn ngành đều đã được đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp với xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại, có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

 

Mặt khác, TKV cũng đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành sản suất như: Phần mềm hóa đơn điện tử; Phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò; Phần mềm nhận diện cấp phát nguyên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên; Ứng dụng hệ thống giám sát lưu chuyển than… Đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng “3 hóa” trong khai thác hầm lò, đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác than lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 23,5% xuống còn 20% trong khai thác hầm lò; Giảm từ 4,9% xuống còn 4,3% trong khai thác than lộ thiên; Năng suất lao động toàn TKV tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.

 

Có thể thấy, việc lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, tận dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án, cũng như đổi mới công nghệ khai thác than chỉ là bước đầu TKV thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ”, qua đó tạo nên phong trào xây dựng tiêu chí mỏ sáng – xanh – sạch tại một số đơn vị trong ngành Than hiện nay. Đáng chú ý, cũng trong năm 2021 này, TKV đang nỗ lực hoàn thành các vành đai cây xanh ngăn bụi xung quanh khu vực chân bãi thải Bằng Nâu, Đông Cao Sơn và khu vực giáp khu dân cư trên địa bàn Tp. Cẩm Phả và Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Cải tạo, phục hồi môi trường, đồng thời trồng phủ cây xanh từ 90 – 100ha.

 

Ông Đặng Thanh Hải – Tổng Giám đốc TKV cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm của TKV trong giai đoạn 2021 – 2025 là đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì toàn ngành còn tập trung hướng tới vào việc sản xuất xanh để phát triển bền vững. Bởi vậy, hiện đại các hóa trang thiết bị dây chuyền công nghệ, trồng cây phủ xanh tại bãi thải; Mở rộng, nâng công suất các trạm xử lý nước thải, đảm bảo xử lý hết lượng nước thải mỏ phát sinh; Thu gom, xử lý các loại chất thải… đang là yêu cầu bắt buộc đối với Tập đoàn”.

 

Minh Tuấn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang