Thứ Sáu, 29/03/2024 22:59:47 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2015

Lượt xem: 3369

Ngành xây dựng có thể giảm thất thoát 10% tổng đầu tư xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, nếu làm tốt việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn Nhà nước thì ngành xây dựng có thể giảm được 10% thất thoát tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Ngành xây dựng có thể giảm thất thoát 10% tổng đầu tư xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Thông tin trên được ông Trịnh Đình Dũng đưa ra để trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc.

 

Sáng 17/11, ông Nguyễn Văn Phúc đã đặt câu hỏi cho 3 Bộ trưởng: “Xin gửi đến Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng như sau: Các bộ có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước. Có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, từ năm 2011 đến nay không?”.

 

Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng thất thoát lãng phí được hiểu là tiền bỏ ra nhưng chất lượng công trình có đảm bảo hay không?

 

“Hiện chưa có số liệu chính xác hay nghiên cứu toàn diện để biết thất thoát là bao nhiêu phần trăm nhưng thất thoát có thật và gây bức xúc. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý thẩm định dự toán trước khi đấu thầu thì năm 2014 cơ quan thẩm định dự toán đã cắt giảm được 3,9% thất thoát, 9 tháng đầu năm 2015 cắt giảm được 5,56%. Trung bình cắt giảm được 5%”.

 

Không chỉ vậy, Bộ trưởng Dũng cho biết trong giai đoạn 2011-2015, Thanh tra Xây dựng tiến hành 268 đoàn kiểm tra, xử lý kinh tế với 3.300 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư 82.000 tỉ đồng, chiếm 4,3% gồm tiền áp sai đơn giá thuế đất, lập dự toán, điều chỉnh dự toán chưa đúng quy định...

 

“Cộng lại hai khoản trên thì giảm thất thoát khoảng 10%. Nếu làm tốt thì giảm được 10% thất thoát đầu tư toàn xã hội”, ông Trịnh Đình Dũng nói.

 

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.

 

Đồng tình với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về việc kiểm soát thất thoát xây dựng từ vốn Nhà nước là khó khăn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng để tính toán cụ thể thất thoát là bao nhiêu thì rất khó khăn, phải thực hiện Đề án, làm lâu dài mới có thể rõ số liệu.

 

“Chúng ta nên thống nhất là lớn, còn lớn là bao nhiêu để định lượng thì không đơn giản... Bây giờ nhìn vào số liệu từ các cơ quan Nhà nước và thanh tra cũng không thể đầy đủ được”, ông Bùi Quang Vinh nói.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kể lại câu chuyện trước đây khi thi công Quốc lộ 70 Hà Nội-Lào Cai, công an Lào Cai đã bắt Đội trưởng đội thi công cầu Bản Phiệt vì hành vi rút thép trên cầu.

 

“Cậu Đội trưởng này, cũng là kỹ sư, nói 'tôi lấy vì thiết kế thừa, cầu quá an toàn, tôi rút đi cũng chẳng sao'. Đơn vị thiết kế công trình thì ăn theo tổng giá trị công trình. Thiết kế càng lớn thì phần trăm càng cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn lại một ví dụ cụ thể về thất thoát xây dựng từ vốn Nhà nước.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đồng tình với Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi nhấn mạnh: “Kiểm soát thất thoát lãng phí ngay cả khâu thẩm định dự toán tổng mức đầu tư, chứ không chỉ trong thi công”.

 

Nói về trách nhiệm cụ thể trong tránh thất thoát, lãng phí đầu tư xây dựng từ vốn Nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng quản lý đầu tư xây dựng cơ bản “vẫn còn nhiều vấn đề”. Tuy nhiên, các bộ chủ quản các công trình, dự án, sử dụng đồng tiền của Nhà nước thì phải có trách nhiệm sử dụng cho hiệu quả nhất.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang