Thứ Năm, 25/04/2024 17:22:04 GMT+7

Tin đăng lúc 24-07-2020

Lượt xem: 1323

Ngành xi măng Việt Nam: Hướng tới sản xuất “xanh” bền vững

Không phát thải - một bước tiến quan trọng đối với ngành sản xuất xi măng và cũng là mục tiêu để ngành hướng đến với quyết tâm giảm 8% phát thải CO2 so với mức hiện tại vào năm 2030.
Ngành xi măng Việt Nam: Hướng tới sản xuất “xanh” bền vững
Mô hình sản xuất xi măng của Thyssenkrupp rất thân thiện với môi trường

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này, với sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Đã có nhiều doanh nghiệp lớn đang sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến trên thế giới vào sản xuất xi măng.

 

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 84 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 101 triệu tấn xi măng/năm. Trong đó, 27 dây chuyền có công suất trên 5.000 tấn clinker/ngày là những dây chuyền hiện đại, đang hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn 29 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất nhỏ từ 500 - 1.700 tấn clinker/ngày - những dây chuyền được đầu tư từ lâu với công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất thấp.

 

Cùng đó, với thế hệ công nghệ như hiện tại, việc nung luyện clinker, nghiền xi măng... cũng vẫn tạo ra nhiều bụi với các khí thải CO2, CO, NOx, SOx… là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Thêm nữa, hiệu suất sử dụng nhiệt và sử dụng điện chưa cao cũng gián tiếp tác động tiêu cực đến môi trường. Tất cả những điều này khiến ngành xi măng chưa tạo ra thêm các giá trị kinh tế vượt trội, và những giải pháp về công nghệ, môi trường, năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang trở thành những thách thức đối với các nhà máy trong ngành.

 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, trong thời gian tới, phải nỗ lực rất nhiều để biến xi măng thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường. Các nhà máy xi măng phải xanh, sạch, phát thải thấp. Khu vực khai thác mỏ phải được quản lý khoa học, không còn là đề xuất từ các chuyên gia mà đang là nhiệm vụ bức thiết đặt ra trước ngành xi măng Việt Nam yêu cầu phải phát triển bền vững.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 với trọng tâm phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát huy và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất ngành hàng này.

 

Với định hướng trên, thời gian tới, ngành sản xuất xi măng sẽ chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất có công suất từ 5.000 tấn/ngày trở lên, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng thời hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường. Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các nhà máy xi măng có công nghệ, thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

 

Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt tạo điều kiện cho các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản đồng loạt triển khai, bù lại thời gian dài "đóng băng" vì giãn cách xã hội trước đó. Đây cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng phải tìm các giải pháp vừa có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi các dây chuyền công nghệ từ "xám" sang "xanh" trong khi tiếp tục sản xuất nguồn tài nguyên quý giá này, vừa đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

 

Cùng với đó, tận dụng nguồn chất thải đô thị và từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất vật liệu xây dựng là chủ trương lớn được Chính phủ khuyến khích. Việc thay thế các dây chuyền công nghệ mới sẽ tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động, tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, các gói tín dụng "xanh" được xem là giải pháp hiệu quả tiếp sức cho các doanh nghiệp ở giai đoạn này. Chuyển sang công nghệ xanh, bài toán chi phí đầu tư đang được doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung cấp công nghệ tính toán nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.

 

Mới đây, Tập đoàn công nghiệp hàng đầu Thyssenkrupp đã phát triển và đưa ra các giải pháp đột phá giúp các nhà máy sản xuất xi măng đảm bảo sản xuất bền vững và giảm thiểu tác động đối với môi trường. Với giải pháp sản xuất xi măng xanh mang tên là #grey2green, Thyssenkrupp không dừng lại ở mong muốn thay đổi mà muốn cách mạng hóa ngành công nghiệp xi măng của Việt Nam, hướng tới một tương lai xanh và thân thiện với môi trường hơn, ông Lukas Schoeneck, CEO của Thyssenkrupp Việt Nam chia sẻ.

 

Giải pháp #grey2green hướng đến giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quá trình sản xuất xi măng như tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng cũng như tạo ra một lượng lớn khí phát thải. Thông qua giải pháp trung hòa carborn, giảm phát thải khí NOx, sử dụng nhiên liệu thay thế và sử dụng đất sét hoạt tính, giúp các nhà sản xuất giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước, nhiên liệu, than đá và khí, cũng như phát thải NOx, NH3, CO2 và hầu hết các hợp chất hữu cơ khác trong quá trình sản xuất xi măng.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang