Thứ Năm, 28/03/2024 19:35:18 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2019

Lượt xem: 1581

Ngành Công Thương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.
Ngành Công Thương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Đó là thông tin tại Hội thảo “Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” được Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 18/7. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Cùng với vấn nạn hàng giả thì hiện nay an toàn thực phẩm (ATTP) cũng là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm. Thống kê cho thấy số vụ vi phạm về thực phẩm bẩn đã gây hoang mang tới tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị triển khai đầy đủ các chính sách pháp luật của nhà nước về ATTP, các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường; Tăng cường chỉ đạo công tác thông tin truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng về ATTP.

 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai tổ chức các hội thảo về ATTP như xây dựng chuyên mục Ngon sạch 3 miền, lễ phát động “Triệu chữ ký” vì ATTP. Đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và mô hình các cơ sở thực phẩm kinh doanh thực phẩm an toàn…

 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ cũng đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng.

 

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 55 địa phương và 13 mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn  HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt.

 

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn một cách bền vững, bên cạnh việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như các hoạt động khuyến khích hỗ trợ trên, ngành Công Thương rất cần sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị… trong việc quản lý an toàn thực phẩm và phát triển thị trường cho các mặt hàng thực phẩm an toàn.

 

Bà Nga cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời cũng phải thực và phát triển hiện các hoạt động Marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO…nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.

 

N.H

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang