Thứ Sáu, 29/03/2024 03:12:32 GMT+7

Tin đăng lúc 26-07-2016

Lượt xem: 3741

Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Đồng chí Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021

Sáng 25-7, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường. Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên thường trực.
Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Đồng chí Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức

Sau đó, các đại biểu QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày Tờ trình về nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tờ trình nêu rõ: Ủy ban TVQH trình QH xem xét bầu ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình, các đại biểu QH thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

 

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH cũng nghe trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017 và thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017. Theo đó, tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình sẽ dựa trên nguyên tắc: là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật… Ủy ban TVQH đề nghị QH xem xét, quyết định hai trong bốn nội dung giám sát, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công - tư (PPP); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Thảo luận về những nội dung nêu trên, các đại biểu QH cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình, đồng thời cho rằng các nội dung Ủy ban TVQH đề nghị QH xem xét lựa chọn để thực hiện giám sát đều là những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhân dân và cử tri cả nước. Nhiều đại biểu đề nghị QH lựa chọn giám sát chuyên đề về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, bởi đây là vấn đề cử tri rất bức xúc, thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống của người dân. Một số đại biểu nêu rõ, tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm hiện nay đều có nguy cơ không an toàn, không kiểm soát được. Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng trong thực tế còn nhiều bất cập.

 

Một số đại biểu nêu ý kiến băn khoăn, lo lắng về sự vận hành bộ máy nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đang là nguyên nhân của nhiều bức xúc trong xã hội, rất cần QH tổ chức giám sát. Vì vậy, QH nên chọn nội dung chuyên đề thứ hai về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016… Có ý kiến đề nghị QH cần tăng cường hơn công tác giám sát về thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của QH; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác "hậu giám sát"… Một số ý kiến đề nghị QH bổ sung các nội dung như giám sát về môi trường biển liên quan Formosa, an toàn giao thông, đầu tư trong nước và nước ngoài...

 

Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban TVQH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

 

Tiếp đó, QH thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Với 480 đại biểu tán thành, bằng 97,17% tổng số đại biểu QH, QH đã thông qua danh sách nhân sự bầu Chủ tịch nước là đồng chí Trần Đại Quang.

 

Sau đó, QH bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu: Với 485 đại biểu tán thành, bằng 98,17% tổng số đại biểu QH, đồng chí Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử, với 484 đại biểu tán thành, bằng 97,98% tổng số đại biểu QH.

 

Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tiến hành trang trọng ngay sau đó. Tại lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu khẳng định: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, đồng bào và cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

 

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2016, trình bày Tờ trình QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, QH tiến hành thảo luận ở Đoàn về nội dung này.

 

Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã đi đến đỉnh điểm bức xúc của cộng đồng. Thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống con người. Chuyên đề này mặc dù đã được QH khóa trước tổ chức giám sát, nhưng giám sát lại lần này cũng là điều kiện để QH đánh giá, xem xét việc thực hiện của các cơ quan chức năng về các kiến nghị của QH khóa trước về vấn đề an toàn thực phẩm. Qua đó, QH kiểm nghiệm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh về vấn đề an toàn thực phẩm hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé 
(Kiên Giang)

 

Có sự yếu kém, tha hóa của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn từ sản xuất, chế biến, tiêu dùng cũng như trong bảo vệ sức khỏe người dân. Giám sát chuyên đề này để có giải pháp xử lý đội ngũ cán bộ yếu kém, qua đó làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ nói riêng và góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Đại biểu Tô Văn Tám
(Kon Tum)

 

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các sai phạm trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh còn tại chức ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam là rất cần thiết. Qua đó, nâng cao vị trí và trách nhiệm của đảng viên tham gia vào bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, trong vụ việc này, có thể thấy cơ chế giám sát của nhân dân là không có. Đồng thời, đã có sự lợi dụng kẽ hở để “lách luật”, người làm thất thoát tài sản nhà nước thì lại được thăng chức. Là một đại biểu QH, tôi nghĩ rằng, thời gian tới, cần phải cải thiện, nâng cao cơ chế giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc 
(Đồng Nai)

 

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang