Thứ Sáu, 29/03/2024 22:03:37 GMT+7

Tin đăng lúc 01-05-2019

Lượt xem: 1374

Ngày Quốc tế Lao động 1.5 vòng quanh thế giới

Ngày Quốc tế Lao động 1.5 được kỷ niệm ở nhiều nước theo những cách khác nhau, có thể là một kỳ nghỉ kéo dài, cũng có thể chỉ là một ngày nghỉ, hoặc là ngày để xuống đường tuần hành đòi quyền lợi lao động.
Ngày Quốc tế Lao động 1.5 vòng quanh thế giới
Đảo Hải Nam là điểm đến yêu thích của người dân Trung Quốc trong dịp nghỉ lễ 1.5

“Cơn sốt du lịch” ở Trung Quốc

 

Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động năm nay ở Trung Quốc sẽ chứng kiến một “cơn sốt du lịch” với ước tính 160 triệu chuyến đi trên cả nước.

 

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3 cho biết, năm nay, người dân được nghỉ lễ Quốc tế Lao động 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1.5 đến hết ngày 4.5. Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi có thông báo nghỉ lễ, tỉ lệ người tìm và đặt tour trên Ctrip đã tăng 50%. Du khách của hơn 610 thành phố trong và ngoài nước đã đặt tour thông qua Ctrip đến hơn 900 điểm đến ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉ lệ người trẻ đi du lịch, sinh từ năm 1980 - 1999 chiếm khoảng một nửa du khách. Công ty cho biết, tăng đáng kể là các tour trong nước và trong khu vực. Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam là những điểm đến nước ngoài được người Trung Quốc yêu thích nhất, trong khi Mỹ và các nước Châu Âu cũng ngày càng được quan tâm.

 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã tăng cường thêm nhiều chuyến tàu. Dự kiến sẽ có khoảng 68 triệu lượt hành khách đi tàu từ ngày 30.4 đến ngày 4.5, tăng 11% so với năm ngoái. Trong năm 2018, người dân Trung Quốc thực hiện 147 triệu chuyến đi trong nước trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 3 ngày, tăng 9,3% so với năm 2017.

 

Dữ liệu từ công ty du lịch trực tuyến Fliggy của Alibaba cho thấy, tỉ lệ đặt vé và đặt phòng khách sạn tăng vọt sau khi thông tin về kỳ nghỉ được công bố. Ông Li Chen - Tổng Giám đốc phụ trách vé máy bay của Fliggy - cho biết, số lượng đặt chỗ các chuyến bay quốc tế tăng 150% chỉ trong vòng 2 giờ so với tuần trước đó, trong khi các chuyến bay nội địa tăng hơn 50%.

 

Quốc tế Lao động - Ngày tuần hành

 

Trong khi Trung Quốc có kỳ nghỉ dài, thì Quốc tế Lao động ở nhiều nước được nghỉ 1 ngày vào 1.5. Nhiều người Đức coi đêm 30.4 rạng sáng 1.5 là “đêm phù thuỷ” hoặc “đêm Walpurgis”. Người dân ở một số khu vực đốt lửa và dành buổi tối hoặc đêm bên ngoài. Những người khác dành thời gian hưởng tiết trời xuân vào ngày 1.5. Nếu ngày này gần với kỳ nghỉ Lễ Ngũ tuần (Pentescost), nhiều người sẽ nghỉ thêm phép năm để đi nghỉ ngắn ngày ở Đức hoặc một quốc gia láng giềng.

 

1.5 cũng là ngày nghỉ lễ ở nhiều nước Châu Âu khác như Phần Lan, Pháp, Đức, Italia, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển. Trung Mỹ có Costa Rica, Panama, một số nước vùng Caribbe và Cuba, Mexico. Nam Mỹ, 1.5 là ngày nghỉ đối với Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Ecuador, Guyana, Peru, Uruguay và Venezuela. Trong khi đó, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức ở Mỹ và một số nước khác như Australia và Canada vào các thời điểm khác nhau trong năm.

 

Ngày Quốc tế Lao động cũng là ngày chứng kiến các cuộc tuần hành, biểu tình của người lao động. Vào các ngày 1.5, nhiều nước trên thế giới thường có các cuộc biểu tình trên đường phố của hàng triệu người lao động và các tổ chức công đoàn của họ, yêu cầu mở rộng các quyền lao động và an sinh xã hội.

 

Về mặt lịch sử, ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1.5.1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1.5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

 

Ngày 1.5.1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cũng trong hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ, 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân đã nổ ra. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ.

 

Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt..., gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886 tại Chicago, Mỹ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân.

 

Ngày 20.6.1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1.5 hàng năm là ngày Quốc tế Lao động.

 

Theo laodong.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang