Thứ Bẩy, 20/04/2024 11:02:49 GMT+7

Tin đăng lúc 08-01-2017

Lượt xem: 3219

Nghệ An: Diện mạo mới từ những dự án “đầu tàu”

Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2020, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những dự án đầu tư được hy vọng sẽ tạo bước đột phá, là “đầu tàu” đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển trong những năm tiếp theo.
Nghệ An: Diện mạo mới từ những dự án “đầu tàu”
Khánh thành Nnhà máy Chế biến gỗ Nghệ An

Dấu ấn từ thu hút đầu tư

 

Theo ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển, trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị (2014 - 2016) nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An tập trung vào thu hút các dự án trọng điểm, phấn đấu đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp. Một số dự án thu hút trong thời gian qua đều có quy mô lớn, mang tính động lực, làm tiền đề để phát triển trong những năm tiếp theo như: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), đô thị và dịch vụ Vsip Nghệ An (Việt Nam- Singapore), Khu công nghiệp Hemaraj (Thái Lan), dự án của tập đoàn Vingroup…

 

Qua 3 năm, Nghệ An đã thu hút được 301 dự án với gần 148.834 tỷ đồng vốn đăng ký. Vận động và triển khai thực hiện 31 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng; 58 chương trình, dự án phi chính phủ (NGO) với tổng số vốn cam kết tài trợ là 16,01 triệu USD. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có thương hiệu với tổng mức đầu tư lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Becamex, Massan, Tôn Hoa Sen, Tập đoàn The Vissai… Đáng chú ý là dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen của tập đoàn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi với tổng vốn đầu tư 3.755 tỷ đồng; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Vsip do Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam- Singapore là chủ đầu tư giai đoạn I trên diện tích 750ha với 1.657 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD…

 

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Những dự án động lực sẽ kích cầu cho những dự án của các nhà đầu tư khác tiếp tục tìm “bến đỗ” tại Nghệ An. Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn ngân sách rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, tạo ra diện mạo, bức tranh kinh tế mới cho tỉnh.

Nghệ An vừa tập trung thu hút các dự án FDI, vừa phát triển công nghiệp phụ trợ đồng bộ, bền vững. Thực hiện chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, các DN Nghệ An đã phát triển cả về chất và lượng. Với tổng số 9.500 DN đang hoạt động, đây thực sự là con số ấn tượng sau những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Nghệ An, thực hiện tốt phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

 

Tập trung tối đa nguồn lực phát triển

 

Những thành công trong thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An chính là nhờ vào kết quả của các cuộc xúc tiến đầu tư được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An, đã chủ động chỉ đạo các ban, ngành có liên quan rà soát, bổ sung các loại quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, làm bệ đỡ và điểm nhấn cho thu hút đầu tư; liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tăng cường cải cách thủ tục hành chính.

 

Các dự án lớn trên địa bàn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy sữa TH, nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, Thủy điện Bản Vẽ, Brex Vinh, dệt may Hà Nội, dự án trong khu kinh tế Đông Nam, Tôn Hoa Sen… được UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện mức cao nhất. Tỉnh cũng đã rà soát và thu hồi những dự án chậm triển khai; đồng thời giải quyết dứt điểm vướng mắc, quan tâm hoàn thiện đầu tư hạ tầng để có quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, khu kinh tế, tạo điều kiện cho các dự án lớn triển khai. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển kinh tế, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn.

 

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, với quan điểm rõ ràng, nhất quán, trong những năm tiếp theo, Nghệ An tập trung tối đa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị tăng cao. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường”. Tỉnh tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm: Phát triển thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển vùng Hoàng Mai- Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; phát triển kinh tế miền Tây xứ Nghệ. Bước tiếp theo là thực hiện hiệu quả nguồn đầu tư công, huy động tốt các nguồn vốn như: ODA, NGO…; cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh gắn với thu hút đầu tư, phát triển DN. Trước mắt, Nghệ An đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 13.000 - 15.000 lao động nhằm bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống cho người dân.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang