Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:07:16 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2020

Lượt xem: 1323

Nghệ An: “Vốn mồi” tiếp động lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Các chương trình khuyến công hỗ trợ vốn đã tạo ra động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ. Người dân có thêm cơ hội việc làm, còn các sản phẩm CNNT thì ngày càng chiếm được lòng tin trên thị trường hơn.
Nghệ An: “Vốn mồi” tiếp động lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn
Từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại

Công ty TNHH Thương mại Hà Huy Minh ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) thành lập cách đây 3 năm. Là một cái tên mới nhưng Hà Huy Minh đã bắt đầu khẳng định được mình với việc cho ra mắt thị trường sản phẩm dầu gội và túi lọc thảo dược. Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Chúng tôi được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại. Hiện trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán khoảng 10.000 sản phẩm ra thị trường, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương”.

 

Khó khăn của Công ty Hà Huy Minh cũng là hoàn cảnh chung của nhiều cơ sở CNNT nhỏ khác: Khó đầu tư trang thiết bị nếu không có “vốn mồi”. Các cơ sở CNNT thường có quy mô nhỏ, tiền thu mua nguyên liệu đã chiếm phần lớn vốn, không đủ lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất. Không có máy móc, thiết bị, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, đầu ra tiêu thụ khó, cuối cùng là trở về với vòng luẩn quẩn: Thiếu vốn – kém đầu tư – doanh thu yếu – thiếu vốn. Nguồn vốn khuyến công giúp các cơ sở CNNT như Công ty Hà Huy Minh mạnh dạn hơn trong việc vay vốn từ ngân hàng để đầu tư trang thiết bị, từ đó mở rộng quy mô sản xuất.

 

Anh Hồ Mạnh Hoàn, Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh chuyên chế biến thuỷ hải sản (Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, năm 2019, Công ty nhận 400 triệu đồng vốn khuyến công để đầu tư máy móc hiện đại. Hiệu quả đến rất nhanh. Từ chỗ chỉ có gần 20 lao động, tới nay Công ty đã tạo việc làm cho 40 lao động, tăng thu nhập cho bà con trong vùng.

 

Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến công Nghệ An, năm 2020, kinh phí hoạt động khuyến công là 4,5 tỷ đồng. Kinh phí quốc gia được bố trí 3 đề án với 1,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương Nghệ An, cho biết: “Nguồn vốn khuyến công năm 2020 tập trung hỗ trợ cho nhóm hàng chủ lực của tỉnh, nhằm góp phần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, giúp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân”.

 

Nhận được nguồn vốn khuyến công, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn mở rộng quy mô, tìm kiếm thị trường, khẳng định thương hiệu cả trong nước và quốc tế, ví như Công ty TNHH Đức Phong (Khu công nghiệp TP. Vinh), Công ty Công ty CP Nước mắm Vạn Phần - Diễn Châu…

 

Nghệ An hiện có 157 làng nghề, trên 690 Hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua ngành Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giới thiệu quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp và các sản phẩm.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang