Thứ Tư, 24/04/2024 11:40:59 GMT+7

Tin đăng lúc 05-11-2019

Lượt xem: 8151

Nghề thợ điện: Nghề không quản ngại gian khó

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp lên Lai Châu, một tỉnh biên giới phía Tây Bắc nước ta để chiêm nghiệm cuộc sống chứa đựng sự vất vả, gian lao, nhưng vẫn lấp lánh niềm tự hào của những người thợ điện miền núi.
Nghề thợ điện: Nghề không quản ngại gian khó
Công nhân PC Lai Châu vượt qua con đường bị sạt lở để xử lý sự cố sau mưa lũ

Từ công việc đầy rẫy khó khăn…

 

Mới đầu đông, nhưng huyện vùng cao biên giới Phong Thổ đã chìm trong giá lạnh và sương mù dày đặc. Trời rét mà tôi vẫn vã mồ hôi vì phải leo qua những con dốc khúc khuỷu trong khi sương mù đã che hết tầm nhìn. Vượt qua quãng đường gần 70 km từ trung tâm thành phố đến với Tổ điện Dào San (xã Dào San) - Đơn vị trực thuộc Điện lực Phong Thổ, Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu), bác tài xế của Tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ còn cách cho xe bò chậm và liên tục bíp còi để phòng có chiếc xe máy nào đó của người dân xuất hiện sau những khúc cua tay áo.

 

Anh Quách Duy Quỳnh - Tổ trưởng Tổ điện Dào San chia sẻ: "Tổ điện Dào San hiện đang quản lý, vận hành hơn 90 km đường dây 35 kV và 85 km đường dây hạ thế trên địa bàn 07 xã biên giới của huyện Phong Thổ. Mấy hôm nay, đất và trời như thế này vẫn dễ đi vì còn có thể dùng phương tiện để di chuyển. Gian khổ nhất là vào những ngày mưa bão, gió quật đổ cây, đất núi sạt lở, chặn hết lối đi. Nhiều đoạn đường vào thôn bản chỉ 6 - 7 km nhưng khi anh em chúng tôi xuống kiểm tra, sửa chữa đường dây đành phải "cuốc" bộ và mất tới hơn nửa ngày đường. Có hôm, khắc phục xong sự cố thì trời đã tối muộn nên anh em đành phải ở lại, tá túc nhờ nhà dân".

 

"Khí hậu nơi này khắc nghiệt vô cùng và mùa đông có thể kéo dài tới năm tháng với nền nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Đôi lúc, nhiệt độ tại Dào San xuống dưới 0 độ C và tất cả các bản làng bị tuyết bao phủ với một màu trắng xóa. Thế nhưng, bất cứ khi nào xảy ra sự cố, những người công nhân của Tổ điện sẽ ngay lập tức lên đường, trèo lên những cột điện phủ đầy băng tuyết để sửa chữa một cách nhanh nhất cho người dân", anh Quỳnh cho biết thêm.

 

 

 Công nhân PC Lai Châu khắc phục sự cố sau một cơn bão

 

Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Quỳnh dường như không hồi kết, bởi ở đây thực sự có quá nhiều khó khăn, vất vả trong công việc. Ngoài những con đường hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt thì công tác thu tiền điện của Tổ điện Dào San cũng cực kỳ gian nan. Nguyên nhân là dân cư nơi đây thưa thớt, nhà này cách nhà kia có khi là cả một quả đồi. Mặt khác, do kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân trong bản sử dụng điện rất ít, có những hộ dùng cả tháng mới hết 1, 2 số điện. Anh Đinh Công Chiến - Công nhân Tổ điện Dào San kể: “Nhiều khi mấy anh em đi chốt số, mình còn có cảm giác công tơ bị hỏng, bởi số điện tại nhiều hộ dân không hề thấy nhúc nhích. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì đó vẫn là con số thực, vì gia đình họ chỉ có duy nhất một chiếc đèn sử dụng cho mục đích thắp sáng ban đêm. Gia đình nào khá hơn một chút mới có thêm chiếc đài nhỏ để nghe tin tức”.

 

Do còn nhiều khó khăn và cũng phần nào vì tiền điện ít nên người dân hầu như không chủ động trong việc đến nộp tiền điện. Bởi vậy, công nhân điện lực buộc phải gõ cửa từng nhà, thậm chí chờ đợi cả ngày, hoặc nhiều ngày liền, nhưng đến nơi vẫn không gặp được chủ hộ do bà con lên nương gặt lúa hay sang bên kia biên giới để làm thuê. Có những lần, nhân viên điện lực phải quay đi, quay lại đến 4 - 5 lần mới thu được tiền điện. Chi phí và công sức đi lại lớn hơn cả số tiền điện thu được rất nhiều. “Lần đó, tôi về bản Dền Thàng A thu tiền điện. Một gia đình người dân tộc Mông sử dụng vỏn vẹn 01 kWh điện trong một tháng với số tiền là 1.846 đồng, nhưng trong nhà không ai có tiền đóng. Họ nói tiếng Mông, mình không hiểu, rồi ấn vào tay đưa cho ba nắm gạo với ý định trả thay cho tiền điện. Không còn cách nào khác, tôi đành phải nhận và mang về cho vào thùng gạo chung của Tổ rồi bù tiền ra trả tiền điện cho họ”, anh Chiến nhớ lại.

 

Đến những thành quả đáng trân trọng

 

Khó khăn là vậy, nhưng mỗi cán bộ, công nhân của Tổ điện Dào San vẫn không ngừng nỗ lực. Bởi, trong điều kiện công tác khó khăn nhất thì tình yêu, tinh thần trách nhiệm với nghề của người thợ điện vùng cao lại trỗi dậy và người thợ điện Dào San cũng chính là hình ảnh hiện hữu của gần 600 CBCNV-NLĐ PC Lai Châu đang ngày đêm cùng nhau vượt khó, làm việc tận tâm để đưa dòng điện tới khắp các bản làng vùng cao biên giới.

 

 

Công nhân Tổ điện Dào San thu tiền điện tại một hộ dân sống tại thôn Sểnh Sảng A

 

Đến nay, PC Lai Châu đã hoàn thành việc đưa điện về 100% số xã trên địa bàn tỉnh và bán điện trực tiếp đến 90.471/96.352 khách hàng (KH), đạt tỷ lệ 93,90%. Trong đó, nhiều huyện nghèo thuộc diện 30A đã có tỷ lệ số hộ sử dụng điện cao như: Phong Thổ là 15.716/16.017 KH, đạt 98,12%; Tân Uyên là 12.632/12.891 KH, đạt 97,99%; Than Uyên là 13.057/13.492 KH, đạt 96,78%... Đặc biệt, trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổng công ty giao. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty đã đạt 136,67 triệu kWh, đạt 77,22% kế hoạch năm và tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2018; giá bán điện bình quân đạt 1.879,32 đồng/kWh, tăng 90,36 đồng so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 256,85 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước đó.

 

Ông Cao Ngọc Lạc - Giám đốc PC Lai Châu nhấn mạnh: "Những năm qua, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác đầu tư, quản lý vận hành lưới điện, nhưng đội ngũ CBCNV-LĐ trong toàn Công ty vẫn luôn nỗ lực hết mình và đạt được những thành tựu đáng trân trọng, qua đó đã góp phần thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Thời gian tới, PC Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển lưới điện tại khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đạt trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và tiến tới 100% khách hàng được sử dụng điện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra".

 

Nhiệm vụ phía trước dẫu biết còn bao bộn bề, nhưng bằng niềm tin và ý chí sắt đá, chắc chắn rằng những CBCNV ngành Điện Lai Châu sẽ tiếp tục vững bước, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống thường nhật của nhân dân. Đồng thời, khẳng định là ngành kinh tế chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của địa phương trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang