Thứ Ba, 23/04/2024 23:15:09 GMT+7

Tin đăng lúc 31-10-2018

Lượt xem: 1260

Nghị định 68/2017/NĐ-CP: Tạo hành lang pháp lý phát triển cụm công nghiệp

Chiều ngày 30/10/2018, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá kết quả 1 năm triển khai Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Ngô Quang Trung chủ trì Hội thảo.
Nghị định 68/2017/NĐ-CP: Tạo hành lang pháp lý phát triển cụm công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ...; Sở Công Thương 42 tỉnh/thành phố; một số UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng CCN của địa phương...

 

Ngày 25/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 68) về quản lý, phát triển CCN. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/7/2017 và bãi bỏ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý CCN. Nghị định thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Chính phủ về phát triển các CCN trên phạm vi cả nước.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định tại các Bộ, ngành và các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, còn một số khó khăn, vướng mắc… cần có giải pháp cụ thể và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

 

Theo đó, Nghị định số 68 đã tạo hành lang pháp lý, chính sách quản lý, phát triển CCN thống nhất, rõ ràng từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN và đơn vị liên quan chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước về phát triển CCN. Nghị định bao gồm một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ đối với phát triển CCN (trong đó có phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ).

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định 68, Bộ Công Thương và các Bộ đã chủ động, kịp thời chủ trì (hoặc phối hợp) xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định, tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt tới các địa phương để triển khai thực hiện và thực hiện tốt các nội dung, quy định.

 

Bên cạnh đó, các địa phương đã khẩn trương phổ biến, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị định và các văn bản hướng dẫn; về cơ bản đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định và đạt được kết quả nhất định bước đầu sau 1 năm thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng, phát triển CCN; công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư hạ tầng và quản lý CCN ngày càng được nhận thức đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật.

 

Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng ở các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao (như: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh…). Thông qua hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Sau khi Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung đánh giá chung tình hình triển khai thực hiện Nghị định 68 một năm qua, đại diện Sở Công Thương một số tỉnh/thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... đã chia sẻ những vấn đề thực tế trong quá trình triển khai Nghị định, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

 

Một là, về xây dựng, ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp các Sở, ngành, UBND cấp huyện về quản lý CCN, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án SXKD trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong đó làm rõ vai trò cơ quan đầu mối quản lý CCN theo Nghị định 68:

 

Ở cấp tỉnh: Sở Công Thương đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án SXKD trong CCN; các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.

 

Ở cấp huyện: UBND cấp huyện đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào trong CCN.

 

Hai là, về xây dựng, ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN theo thẩm quyền của địa phương (như: quy hoạch phát triển CCN; Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN do ngân sách địa phương đảm bảo; kế hoạch hoạt động phát triển CCN; …).

 

Ba là, việc triển khai thực hiện: (i) Quy hoạch, thành lập/mở rộng CCN, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư vào các CCN, quản lý sau đầu tư; (ii) Chính sách ưu đãi hỗ trợ theo Nghị định 68 trên địa bàn (ưu đãi tiền thuê đất, vay vốn tín dụng đầu tư,…) đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án SXKD trong CCN.

 

Bốn là, về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN, thực hiện chế độ báo cáo về CCN, xây dựng cơ sở dữ liệu CCN...

 

Kết thúc Hội thảo, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đặc biệt là những góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Nghị định 68 để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.

 

Nguồn MOIT


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang