Thứ Sáu, 19/04/2024 13:01:13 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2019

Lượt xem: 4629

Nghị quyết 02 và “quyền” của các Bộ trưởng

Với cách tiếp cận mới, Nghị quyết 02 đã trao toàn quyền cho các Bộ trưởng với trách nhiệm rất nặng nề nhưng tính chủ động, sáng tạo của từng Bộ trưởng sẽ được nhận diện và đánh giá.
Nghị quyết 02 và “quyền” của các Bộ trưởng
Mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP/2019 là nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

 

Từ mục tiêu môi trường kinh doanh ASEAN 4

 

Một lần nữa, Chính phủ đặt mục tiêu lọt vào 4 nước hàng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh, nghĩa là vượt qua mức trung bình hiện tại.

 

Tiếp nối Nghị quyết số 19 trước đây, mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP/2019 là nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đưa nước ta vào nhóm ASEAN 4.

 

Theo đó, trong năm 2019, nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) tăng 5 - 7 bậc; xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 3 - 5 bậc; xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên từ 2 - 3 bậc... Các chỉ số trong nhiều lĩnh vực then chốt như logistics (của WB), du lịch (của WEF), Chính phủ điện tử (của UN)… cũng đã được lượng hóa trong Nghị quyết.

 

Việt Nam hiện xếp thứ 69/190 trên Bảng Xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB); thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh trên Bảng Xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh.

 

Nghị quyết năm nay đưa ra 5 nhóm giải pháp với 4 lĩnh vực trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng lựa chọn để ưu tiên chỉ đạo và nếu cải thiện được thì chắc chắn sẽ có bước tiến mạnh về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

 

Đáng chú ý, trong số những giải pháp lần này, Nghị quyết xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Nếu các Nghị quyết 19 trước đây đưa ra mấy trăm giải pháp cụ thể, mỗi bộ có thể có hàng chục giải pháp do Chính phủ chỉ định thì có thể nói năm nay Chính phủ giao mục tiêu cho các bộ, không giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số. Điều này đồng nghĩa với việc, trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối tiếp tục được đã được nêu rõ ngay trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết.

 

Đến quyền của Bộ trưởng

 

Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh một cách thực chất, mang lại lợi ích thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp. Ở địa phương, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách cũng phải nắm được cái gì bãi bỏ, cái gì bổ sung sửa đổi để chỉ đạo các giám đốc sở, các công chức dưới quyền thực hiện đúng.

 

Công bằng mà nói, yêu cầu này đã gắn chặt trách nhiệm của các Bộ trưởng với quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh tại các bộ ngành.

 

Cách làm như vậy có điểm lợi là trách nhiệm của Bộ trưởng rất nặng nề nhưng họ cũng rất vinh quang khi tính chủ động, sáng tạo của từng Bộ trưởng sẽ được nhận diện và đánh giá. Họ sẽ chịu áp lực khi kiểm điểm nếu họ không làm hoặc làm không đạt mục tiêu”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho hay.

 

Là người theo dõi sát sao quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, Viện trưởng Viện CIEM cho hay: “Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, nhìn chung các bộ, cơ quan, địa phương đã bắt đầu làm quen được với cách tiếp cận trong xây dựng Nghị quyết, cách xếp hạng, cách tính toán các chỉ số… Nghị quyết 02 muốn đề cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, đề cao tính chủ động, sáng tạo của Bộ trưởng trong thực hiện nhiệm vụ. Họ có toàn quyền chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cần thiết để đạt mục tiêu đề ra”, ông Cung nói.

 

Dẫn chứng cụ thể, ông Cung cho hay, về chỉ số tiếp cận điện năng do EVN toàn quyền nghiên cứu, chủ động thực hiện các giải pháp thì các giải pháp lại đầy đủ, sát thực hơn các nhiệm vụ được liệt kê. Nên trong 5 năm qua, chỉ số tiếp cận điện năng đã được cải thiện đáng kể.

 

“Họ thấy trách nhiệm của mình cao hơn và khi có thành tích thì họ xứng đáng được khen ngợi”, ông Cung nói.

 

Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó giải pháp này đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các Bộ trưởng.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang